Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có nhiều tỳ khưu ni khi trải qua mùa (an cư) mưa ở chỗ trú xứ là thôn làng rồi đã đi đến thành Sāvatthī. Các tỳ khưu ni đã nói với các tỳ khưu ni ấy điều này:—“Các ni sư đã trải qua mùa (an cư) mưa ở đâu? Chắc hẳn sự giáo giới đã có hiệu quả?”—“Này các ni sư, ở nơi ấy không có tỳ khưu, do đâu mà sự giáo giới sẽ có hiệu quả?” Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao các tỳ khưu ni lại sống mùa (an cư) mưa tại trú xứ không có tỳ khưu?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni sống mùa (an cư) mưa tại trú xứ không có tỳ khưu, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại sống mùa (an cư) mưa tại trú xứ không có tỳ khưu? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào sống mùa (an cư) mưa tại trú xứ không có tỳ khưu thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Trú xứ không có tỳ khưu nghĩa là không thể đi vì việc giáo giới hoặc vì việc đồng cộng trú.
Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ sống mùa (an cư) mưa” rồi sắp xếp chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng thì phạm tội dukkaṭa. Với sự mọc lên của mặt trời thì phạm tội pācittiya.
Các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bỏ đi hoặc hoàn tục hoặc qua đời hoặc chuyển sang phe phái khác, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ sáu.