Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có cô ni tu tập sự nọ đã đi đến gặp tỳ khưu ni Thullanandā và cầu xin sự tu lên bậc trên. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với cô ni tu tập sự ấy rằng:—“Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô.” Rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ. Sau đó, cô ni tu tập sự ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ rồi không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô’ lại không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào sau khi đã nói với cô ni tu tập sự rằng: ‘Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô,’ vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì vẫn không tiếp độ và cũng không ra sức cho việc tiếp độ thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ đã thực hành việc học tập về sáu pháp trong hai năm.
Này cô ni, nếu cô sẽ dâng y cho ta, như thế thì ta sẽ tiếp độ cho cô: như thế thì ta sẽ ban phép tu lên bậc trên cho cô.
Vị ni ấy sau đó không có trở ngại gì: khi không có sự nguy hiểm.
Không tiếp độ: không tự mình tiếp độ.
Không ra sức cho việc tiếp độ: không chỉ thị cho người khác. Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ không tiếp độ cũng không ra sức cho việc tiếp độ,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì phạm tội pācittiya.
Khi có sự nguy hiểm, vị ni tầm cầu nhưng không đạt được, vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ bảy.