TẠNG LUẬT

PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI

CHƯƠNG PĀRĀJIKA

6. ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ NHÌ:

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Sundarīnandā đã mang thai do Sāḷha cháu trai của Migāra. Khi bào thai còn non tháng, cô ta đã che giấu. Khi bào thai đã được tròn tháng, cô ta đã hoàn tục và sanh con. Các tỳ khưu ni đã nói với tỳ khưu ni Thullanandā điều này:—“Này ni sư, Sundarīnandā hoàn tục không bao lâu đã sanh con. Không lẽ cô ta đã mang thai ngay khi còn là tỳ khưu ni?”—“Này các ni sư, đúng vậy.”—“Này ni sư, vì sao cô biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika lại không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm?”—“Điều không đức hạnh nào của cô ấy, điều không đức hạnh ấy là của tôi. Điều ô danh nào của cô ấy, điều ô danh ấy là của tôi. Điều không vinh dự nào của cô ấy, điều không vinh dự ấy là của tôi. Điều thất lợi nào của cô ấy, điều thất lợi ấy là của tôi. Này các ni sư, tại sao tôi lại thông báo cho những người khác về điều không đức hạnh của bản thân, về điều ô danh của bản thân, về điều không vinh dự của bản thân, về điều thất lợi của bản thân?”

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Thullanandā trong khi biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika lại không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā trong khi biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā trong khi biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào trong khi biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm trong lúc vị ni kia hãy còn tồn tại, hoặc bị chết đi, hoặc bị trục xuất, hoặc bỏ đi. Sau này, vị ni ấy nói như vầy: ‘Này các ni sư, chính trước đây tôi đã biết rõ tỳ khưu ni kia rằng: —Sư tỷ ấy là như thế và như thế—mà tôi không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm;’ vị ni này cũng là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú, là người nữ che giấu tội.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …

Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Biết nghĩa là vị tự mình biết, hoặc các người khác thông báo cho cô ấy, hoặc cô kia thông báo.

Đã vi phạm tội pārājika: đã vi phạm một tội pārājika nào trong tám tội pārājika.

Không tự chính mình khiển trách: là không đích thân khiển trách.

Không thông báo cho nhóm: là không thông báo cho các tỳ khưu ni khác.

Khi vị ni kia hãy còn tồn tại: còn tồn tại nghĩa là còn tồn tại trong hiện tướng (tỳ khưu ni) được đề cập đến. Bị chết đi nghĩa là bị qua đời được đề cập đến. Bị trục xuất nghĩa là tự mình hoàn tục hoặc bị trục xuất bởi các vị khác. Bỏ đi nghĩa là chuyển sang sinh hoạt với tu sĩ ngoại đạo được đề cập đến.

Sau này, vị ni ấy nói như vầy: “Này các ni sư, chính trước đây tôi đã biết rõ tỳ khưu ni kia rằng: ‘Sư tỷ ấy là như thế và như thế.’”

Mà tôi không tự chính mình khiển trách: Tôi không đích thân buộc tội.

(Tôi) không thông báo cho nhóm: Tôi không thông báo cho các tỳ khưu ni khác.

Vị ni này cũng: được đề cập có liên quan đến các vị ni trước đây.

Là vị phạm tội pārājika: cũng giống như chiếc lá vàng đã lìa khỏi cành không thể xanh trở lại, tương tợ như thế vị tỳ khưu ni biết vị tỳ khưu ni đã vi phạm tội pārājika (nghĩ rằng): “Ta sẽ không tự chính mình khiển trách cũng sẽ không thông báo cho nhóm,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì không còn là nữ Sa-môn, không phải là Thích nữ; vì thế được gọi là ‘vị phạm tội pārājika.’

Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là ‘không được cộng trú.’

Vị ni (nghĩ rằng): ‘Sẽ xảy ra sự xung đột, hoặc sự cãi cọ, hoặc sự tranh luận, hoặc sự tranh cãi đến hội chúng’ rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): ‘Sẽ xảy ra sự chia rẽ hội chúng hoặc sự bất đồng trong hội chúng’ rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): ‘Vị ni này hung bạo thô lỗ sẽ gây nguy hiểm đến mạng sống hoặc nguy hiểm đến Phạm hạnh’ rồi không thông báo, trong khi không nhìn thấy các tỳ khưu ni thích hợp khác rồi không thông báo, vị ni không có ý định che giấu rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): ‘Cô ta sẽ được nhận biết do hành động của mình’ rồi không thông báo, vị ni bị điên,… (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều pārājika thứ nhì.