TẠNG LUẬT

PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI

CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA:

12. ĐIỀU SAṄGHĀDISESA THỨ CHÍN:

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni học trò của tỳ khưu ni Thullanandā sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao các tỳ khưu ni lại sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Hơn nữa, các tỳ khưu ni sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Các tỳ khưu ni ấy nên được nói bởi các tỳ khưu ni như sau: ‘Các sư tỷ sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Này các ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời của các sư tỷ.’ Và khi được nói như vậy bởi các tỳ khưu ni mà các tỳ khưu ni ấy vẫn chấp giữ y như thế, các tỳ khưu ni ấy nên được các tỳ khưu ni nhắc nhở đến lần thứ ba để từ bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần thứ ba mà dứt bỏ việc ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ các vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội (khi được nhắc nhở) đến lần thứ ba, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”

Hơn nữa, các tỳ khưu ni: là các người nữ đã tu lên bậc trên được đề cập đến.

Sống thân cận (với thế tục): sống thân cận bằng (hành động thuộc về) thân và khẩu không đúng đắn.

Có hạnh kiểm xấu xa: được hội đủ sở hành xấu xa.

Có tiếng đồn xấu xa: được lan rộng bởi lời đồn đãi về tiếng tăm xấu xa.

Có sự nuôi mạng xấu xa: các vị duy trì sự sống bằng việc nuôi mạng sai trái xấu xa.

Là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni: các vị phản đối trong khi hành sự đang được thực hiện cho từng vị.

Là những người che giấu tội lẫn nhau: các vị là những người che giấu tội qua lại cho nhau.

Các tỳ khưu ni ấy: là các vị tỳ khưu ni sống thân cận (với thế tục).

Bởi các tỳ khưu ni: bởi các tỳ khưu ni khác. Các vị ni nào thấy, các vị ni nào nghe, các vị ni ấy nên nói rằng: “Các sư tỷ sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Này các ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời của các sư tỷ.” Nên được nói đến lần thứ nhì. … (như trên) … Nên được nói đến lần thứ ba. … (như trên) … Nếu (các vị ni ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Các vị ni sau khi nghe mà không nói thì phạm tội dukkaṭa. Các tỳ khưu ni ấy nên được kéo đến giữa hội chúng rồi nên được nói rằng: “Các sư tỷ sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Này các ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời của các sư tỷ.” Nên được nói đến lần thứ nhì. … (như trên) … Nên được nói đến lần thứ ba. … (như trên) … Nếu (các vị ni ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Các tỳ khưu ni ấy cần được nhắc nhở. Và này các tỳ khưu, nên được nhắc nhở như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Các vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên nhắc nhở các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) sống thân cận (với thế tục), có hạnh kiểm xấu xa, có tiếng đồn xấu xa, có sự nuôi mạng xấu xa, là những người gây khó khăn cho hội chúng tỳ khưu ni, và là những người che giấu tội lẫn nhau. Các vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Hội chúng nhắc nhở các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức ni nào đồng ý việc nhắc nhở các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên. Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: … (như trên) … Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: … (như trên) … Các tỳ khưu ni tên (như vầy) và tên (như vầy) đã được hội chúng nhắc nhở để dứt bỏ sự việc ấy. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội thullaccaya . Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự thì phạm tội saṅghādisesa. Đối với vị ni vi phạm tội saṅghādisesa, thì tội dukkaṭa do lời đề nghị và các tội thullaccaya do hai lời thông báo của hành sự hết hiệu lực. Hai ba vị ni nên được nhắc nhở chung (một lượt), không nên nhắc nhở nhiều hơn số lượng ấy.

Các tỳ khưu ni này cũng: được đề cập có liên quan đến các vị ni trước đây.

(Khi được nhắc nhở) đến lần thứ ba: các vị ni vi phạm tội do sự nhắc nhở đến lần thứ ba, không phải do thực hiện sự việc.

Cần được tách riêng: bị tách riêng ra khỏi hội chúng.

Tội saṅghādisesa: … (như trên) … vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’

Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, các vị ni không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, các vị ni không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, các vị ni không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa.

Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tội dukkaṭa.

Các vị ni chưa được nhắc nhở, các vị ni dứt bỏ, các vị ni bị điên, các vị ni có tâm bị rối loạn, các vị ni bị thọ khổ hành hạ, các vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều saṅghādisesa thứ chín.