TẠNG LUẬT
PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI
CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA:
2. ĐIỀU SAṄGHĀDISESA THỨ NHÌ:
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, ở thành Vesālī cô vợ của một người dòng dõi Licchavi nọ ngoại tình. Khi ấy, người Licchavi ấy đã nói với người đàn bà ấy điều này:—“Tốt hơn cô hãy chừa. Tôi sẽ làm điều thất lợi cho cô.” Mặc dầu được nói như thế, cô ta đã không lưu tâm đến. Vào lúc bấy giờ, nhóm người Licchavi tụ họp lại ở Vesālī vì công việc cần làm nào đó. Khi ấy, người Licchavi ấy đã nói với những người Licchavi ấy điều này:—“Thưa quý vị, quý vị hãy cho phép tôi đối với một người đàn bà.”—“Cô ấy tên là gì?”—“Vợ của tôi ngoại tình. Tôi sẽ giết cô ta.”—“Ngươi tự biết lấy.”
Người đàn bà ấy đã nghe được rằng: “Nghe nói chồng có ý định giết ta” rồi đã lấy đồ đạc quý giá đi đến thành Sāvatthī gặp các tu sĩ ngoại đạo và đã cầu xin sự xuất gia. Các tu sĩ ngoại đạo đã không chịu cho xuất gia. Cô đã đi đến gặp các tỳ khưu ni và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu ni cũng đã không chịu cho xuất gia. Cô đã đi đến gặp tỳ khưu ni Thullanandā, đưa cho xem gói đồ đạc rồi cầu xin sự xuất gia. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nhận lấy gói đồ đạc rồi đã cho xuất gia.
Khi ấy, người Licchavi ấy trong lúc tìm kiếm người đàn bà ấy đã đi đến thành Sāvatthī. Sau khi thấy (cô ấy) đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni liền đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này:—“Tâu bệ hạ, vợ của thần đã lấy đi đồ đạc quý giá và đã đến thành Sāvatthī. Xin bệ hạ hãy cho phép thần đối với cô ấy.”—“Này khanh, nếu thế thì hãy tìm kiếm rồi trình báo.”—“Tâu bệ hạ, đã tìm thấy. Cô ta đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni.”—“Này khanh, nếu đã được xuất gia nơi các tỳ khưu ni thì không được phép làm gì cô ta cả. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để cô ta thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.”
Khi ấy, người Licchavi ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Tại sao các tỳ khưu ni lại cho nữ tặc xuất gia?” Các tỳ khưu ni đã nghe được người Licchavi ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Thullanandā lại cho nữ tặc xuất gia?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā cho nữ tặc xuất gia, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại cho nữ tặc xuất gia vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào trong khi biết nữ đạo tặc có tội tử hình đã được loan báo mà vẫn tiếp độ (cho tu) khi chưa xin phép đức vua, hoặc hội chúng, hoặc nhóm, hoặc phường hội, hoặc cộng đồng, ngoại trừ có sự được phép vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Biết nghĩa là vị tự mình biết, hoặc các người khác thông báo cho cô ấy, hoặc cô kia thông báo.
Nữ đạo tặc nghĩa là cô nào lấy đi theo lối trộm cắp vật không được cho trị giá năm māsaka hoặc hơn năm māsaka; cô ấy gọi là nữ đạo tặc.
Có tội tử hình nghĩa là cô ta đã thực hiện loại hành động khiến cho cô ta đáng tội tử hình.
Được loan báo nghĩa là những người khác biết (về cô ta) rằng: “Cô này đáng tội tử hình.”
Khi chưa xin phép: khi chưa hỏi ý.
Đức vua nghĩa là nơi nào đức vua cai quản thì nên xin phép đức vua.
Hội chúng nghĩa là hội chúng tỳ khưu ni được đề cập đến, nên xin phép hội chúng tỳ khưu ni.
Nhóm nghĩa là nơi nào nhóm cai quản thì nên xin phép nhóm.
Phường hội nghĩa là nơi nào phường hội cai quản thì nên xin phép phường hội.
Cộng đồng nghĩa là nơi nào cộng đồng cai quản thì nên xin phép cộng đồng.
Ngoại trừ có sự được phép: trừ ra sự được phép. Sự được phép nghĩa là có hai sự được phép: đã được xuất gia nơi các tu sĩ ngoại đạo hoặc là đã được xuất gia nơi các tỳ khưu ni khác. Ngoại trừ có sự được phép, vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ tiếp độ” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni), hoặc vị ni tuyên ngôn, hoặc là bình bát, hoặc là y, hoặc là chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội thullaccaya. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự, thầy tế độ phạm tội saṅghādisesa, nhóm (chứng minh) và vị ni tuyên ngôn phạm tội dukkaṭa.
Vị ni này cũng: được đề cập có liên quan đến vị ni trước đây.
Ngay lúc vừa mới vi phạm: vị ni vi phạm do thực hiện sự việc, không phải do sự nhắc nhở.
Cần được tách riêng: bị tách riêng ra khỏi hội chúng.
Tội saṅghādisesa: Chỉ có hội chúng–không phải một số tỳ khưu ni, không phải một tỳ khưu ni–ban cho hành phạt mānatta của tội ấy, cho thực hành lại từ đầu, cho giải tội; vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’ Là việc định danh, tức là việc đặt tên cho cả nhóm tội giống như tội ấy; vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’
Nữ đạo tặc, nhận biết là nữ đạo tặc, vị ni tiếp độ thì phạm tội saṅghādisesa ngoại trừ có sự được phép. Nữ đạo tặc, có sự hoài nghi, vị ni tiếp độ thì phạm tội dukkaṭa ngoại trừ có sự được phép. Nữ đạo tặc, (lầm) tưởng không phải là nữ đạo tặc, vị ni tiếp độ thì vô tội ngoại trừ có sự được phép. Không phải là nữ đạo tặc, (lầm) tưởng là nữ đạo tặc, phạm tội dukkaṭa. Không phải là nữ đạo tặc, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là nữ đạo tặc, nhận biết không phải là nữ đạo tặc thì vô tội.
Vị ni không biết rồi tiếp độ, sau khi xin phép rồi tiếp độ, tiếp độ người đã được phép, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều saṅghādisesa thứ nhì.