TẠNG LUẬT

PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI

CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA:

3. ĐIỀU SAṄGHĀDISESA THỨ BA:

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu ni học trò của Bhaddā Kāpilānī sau khi gây gỗ với các tỳ khưu ni đã đi đến gia đình thân quyến ở trong thôn. Bhaddā Kāpilānī không nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy nên đã hỏi các tỳ khưu ni rằng:—“Ni tên (như vầy) đâu rồi, không có thấy?”—“Thưa ni sư, sau khi gây gỗ với các tỳ khưu ni thì không được thấy.”—“Này các cô, gia đình thân quyến của cô này ở thôn kia, hãy đi đến và tìm kiếm ở nơi đó.” Các tỳ khưu ni sau khi đi đến nơi ấy đã nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy và đã nói điều này:—“Này ni sư, sao cô lại đi mỗi một mình? Chắc hẳn cô không bị xâm phạm?”—“Này các ni sư, tôi không bị xâm phạm.”

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao tỳ khưu ni lại đi vào trong làng một mình?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni đi vào trong làng một mình, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại đi vào trong làng một mình vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi vào trong làng một mình, vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.

Vào lúc bấy giờ, có hai tỳ khưu ni đang đi đường xa từ Sāketa đến thành Sāvatthī. Giữa đường đi có con sông cần phải băng qua. Khi ấy, hai tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp các người chèo đò và đã nói điều này:—“Này đạo hữu, tốt thay hãy đưa chúng tôi sang.”—“Thưa các ni sư, không thể đưa sang cả hai người cùng một lần.” Rồi một người (chèo đò) đã đưa một (vị tỳ khưu ni) sang. Người đưa sang đã làm nhơ vị ni được đưa sang. Người không đưa sang đã làm nhơ vị ni chưa được đưa sang. Hai cô ni ấy sau khi gặp lại nhau đã hỏi rằng:—“Này ni sư, chắc hẳn cô không bị xâm phạm?”—“Này ni sư, tôi đã bị xâm phạm. Này ni sư, còn cô chắc không bị xâm phạm?”—“Này ni sư, tôi đã bị xâm phạm.”

Sau đó, hai tỳ khưu ni ấy đã đi đến thành Sāvatthī và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao tỳ khưu ni lại đi sang bờ bên kia sông một mình?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni đi sang bờ bên kia sông một mình, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại đi sang bờ bên kia sông một mình vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi vào trong làng một mình hoặc đi sang bờ bên kia sông một mình, vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu ni trong khi đang đi đến thành Sāvatthī thuộc xứ sở Kosala lúc tối trời đã ghé vào ngôi làng nọ. Trong số đó, có vị tỳ khưu ni đẹp dáng, đáng nhìn, khả ái. Có người đàn ông nọ đã sanh lòng say đắm với hình dáng của vị tỳ khưu ni ấy. Khi ấy, người đàn ông ấy trong khi sắp xếp chỗ ngủ cho các tỳ khưu ni ấy đã sắp xếp chỗ ngủ của vị tỳ khưu ni ấy ở một bên. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã xét đoán ra rằng: “Người đàn ông này đã bị ám ảnh rồi. Nếu trong đêm tối hắn ta đến thì ta sẽ bị mất phẩm giá” nên đã đi đến gia đình khác rồi nằm ngủ (ở đó), không thông báo cho các tỳ khưu ni. Sau đó trong đêm tối, người đàn ông ấy đã đi đến và trong khi tìm kiếm vị tỳ khưu ni ấy đã chạm vào các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni trong lúc không nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy đã nói như vầy:—“Chắc chắn là vị tỳ khưu ni ấy đã đi ra ngoài với người đàn ông.” Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu ni ấy. Các tỳ khưu ni đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này:—“Này ni sư, vì sao cô đã đi ra ngoài với người đàn ông?”—“Này các ni sư, tôi đã không đi ra ngoài với người đàn ông.” Và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao tỳ khưu ni ban đêm lại trú ngụ riêng một mình?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni ban đêm trú ngụ riêng một mình, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni ban đêm lại trú ngụ riêng một mình vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi vào trong làng một mình hoặc đi sang bờ bên kia sông một mình, hoặc ban đêm trú ngụ riêng một mình, vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều tỳ khưu ni đang đi đường xa đến thành Sāvatthī trong xứ Kosala. Tại nơi ấy, có vị tỳ khưu ni nọ bị khó chịu vì việc đại tiện nên tách rời ra mỗi một mình rồi đã đi ở phía sau. Nhiều người đã nhìn thấy và đã làm nhơ vị tỳ khưu ni ấy. Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu ni ấy. Các tỳ khưu ni đã nói với tỳ khưu ni ấy điều này:—“Này ni sư, vì sao cô lại tách rời ra mỗi một mình vậy? Chắc hẳn cô đã không bị xâm phạm?”—“Này các ni sư, tôi đã bị xâm phạm.”

Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao vị tỳ khưu ni một mình lại tách rời ra khỏi nhóm?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni một mình tách rời ra khỏi nhóm, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao vị tỳ khưu ni một mình lại tách rời ra khỏi nhóm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi vào trong làng một mình hoặc đi sang bờ bên kia sông một mình, hoặc ban đêm trú ngụ riêng một mình, hoặc một mình tách rời ra khỏi nhóm, vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”

Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …

Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Hoặc đi vào trong làng một mình: vị ni trong khi vượt qua hàng rào của ngôi làng được rào lại bước thứ nhất thì phạm tội thullaccaya, trong khi vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội saṅghādisesa. Vị ni trong khi vượt qua vùng phụ cận của ngôi làng không được rào lại bước thứ nhất thì phạm tội thullaccaya, trong khi vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội saṅghādisesa.

Hoặc đi sang bờ bên kia sông một mình: Sông nghĩa là bất cứ ở nơi đâu làm ướt y nội của vị tỳ khưu ni (được quấn) che khuất cả ba vòng trong lúc (vị ni ấy) lội qua nơi ấy. Vị ni trong khi vượt qua bước thứ nhất thì phạm tội thullaccaya, trong khi vượt qua bước thứ nhì thì phạm tội saṅghādisesa.

Hoặc ban đêm trú ngụ riêng một mình: Đến lúc rạng đông, vị ni đang lìa khỏi tầm tay của vị tỳ khưu ni thứ hai thì phạm tội thullaccaya, khi đã lìa khỏi thì phạm tội saṅghādisesa.

Hoặc một mình tách rời ra khỏi nhóm: không phải ở trong làng, ở trong rừng, vị ni trong khi lìa khỏi tầm nhìn hoặc tầm nghe của vị tỳ khưu ni thứ nhì thì phạm tội thullaccaya, khi đã lìa khỏi thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị ni này cũng: được đề cập có liên quan đến các vị ni trước đây.

Ngay lúc vừa mới vi phạm: vị ni vi phạm do thực hiện sự việc, không phải do sự nhắc nhở.

Cần được tách riêng: bị tách riêng ra khỏi hội chúng.

Tội saṅghādisesa: … (như trên) … vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’

Trong lúc vị tỳ khưu ni thứ nhì bỏ đi hoặc hoàn tục hoặc qua đời hoặc chuyển sang phe phái khác, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều saṅghādisesa thứ ba.