TẠNG LUẬT
PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU NI
CHƯƠNG SAṄGHĀDISESA:
4. ĐIỀU SAṄGHĀDISESA THỨ TƯ:
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī là vị ni thường gây nên các sự xung đột, gây nên các sự cãi cọ, gây nên các sự tranh luận, gây nên các cuộc nói chuyện nhảm nhí, và gây nên các sự tranh tụng trong hội chúng. Trong lúc hành sự đang được tiến hành cho vị ni ấy, tỳ khưu ni Thullanandā đã phản đối. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā đã đi vào làng vì công việc cần làm nào đó.
Khi ấy, hội chúng tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Tỳ khưu ni Thullanandā đã đi vắng” nên đã phạt án treo tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī trong việc không nhìn nhận tội. Tỳ khưu ni Thullanandā sau khi hoàn tất công việc cần làm ấy ở trong làng đã quay trở về thành Sāvatthī. Trong khi tỳ khưu ni Thullanandā đi về, tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī đã không sắp xếp chỗ ngồi, đã không đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, đã không đi ra tiếp rước y bát, và đã không dâng nước uống. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī điều này:—“Này cô ni, vì sao trong khi tôi đi về, cô đã không sắp xếp chỗ ngồi, đã không đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, đã không đi ra tiếp rước y bát, và đã không dâng nước uống vậy?”—“Thưa ni sư, bởi vì sự việc này là như vậy, giống như là việc làm đối với kẻ không người bảo hộ.”—“Này cô ni, vì sao cô lại là không người bảo hộ?”—“Thưa ni sư, các tỳ khưu ni này (nói rằng): ‘Cô này là không người bảo hộ lại ngu dốt. Không còn cô kia thì ai sẽ lên tiếng phản đối’ rồi đã phạt án treo tôi trong việc không nhìn nhận tội.” Tỳ khưu ni Thullanandā (nói rằng): “Những cô ấy thì ngu dốt! Những cô ấy không kinh nghiệm! Những cô ấy không biết về hành sự hoặc sự sai trái của hành sự hoặc sự hư hỏng của hành sự hoặc sự thành tựu của hành sự. Chúng ta mới biết về hành sự hoặc sự sai trái của hành sự hoặc sự hư hỏng của hành sự hoặc sự thành tựu của hành sự. Chúng ta có thể thực hiện hành sự chưa được thực hiện hoặc có thể hủy bỏ hành sự đã được thực hiện,” rồi đã mau mau triệu tập hội chúng tỳ khưu ni và đã phục hồi cho tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Thullanandā khi chưa xin phép hội chúng thực hiện hành sự và không quan tâm đến ước muốn của nhóm lại phục hồi cho vị tỳ khưu ni đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo Sư?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā khi chưa xin phép hội chúng thực hiện hành sự và không quan tâm đến ước muốn của nhóm lại phục hồi cho vị tỳ khưu ni đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo Sư, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā khi chưa xin phép hội chúng thực hiện hành sự và không quan tâm đến ước muốn của nhóm lại phục hồi cho vị tỳ khưu ni đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo Sư vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào khi chưa xin phép hội chúng thực hiện hành sự và không quan tâm đến ước muốn của nhóm lại phục hồi cho vị tỳ khưu ni đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo Sư, vị tỳ khưu ni này cũng phạm tội ngay lúc vừa mới vi phạm, là tội saṅghādisesa cần được tách riêng.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Hội chúng hợp nhất nghĩa là có sự đồng cộng trú được thiết lập trong cùng ranh giới.
Bị phạt án treo nghĩa là bị phạt án treo trong việc không nhìn nhận tội, hoặc trong việc không sửa chữa lỗi, hoặc trong việc không từ bỏ tà kiến ác.
Theo Pháp, theo Luật: theo Pháp nào đó, theo Luật nào đó.
Theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư: theo lời giáo huấn của đấng Chiến Thắng, theo lời giáo huấn của đức Phật.
Khi chưa xin phép hội chúng thực hiện hành sự: khi chưa hỏi ý hội chúng đã làm hành sự.
Không quan tâm đến ước muốn của nhóm: không biết đến ước muốn của nhóm. (Nghĩ rằng): “Ta sẽ phục hồi” rồi tìm kiếm nhóm (tỳ khưu ni) hoặc chỉ định ranh giới thì phạm tội dukkaṭa. Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội thullaccaya. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự thì phạm tội saṅghādisesa.
Vị ni này cũng: được đề cập có liên quan đến các vị ni trước đây.
Ngay lúc vừa mới vi phạm: vị ni vi phạm do thực hiện sự việc, không phải do sự nhắc nhở.
Cần được tách riêng: bị tách riêng ra khỏi hội chúng.
Tội saṅghādisesa: … (như trên) … vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’
Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị ni phục hồi thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị ni phục hồi thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị ni phục hồi thì phạm tội saṅghādisesa. Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tội dukkaṭa.
Vị ni phục hồi sau khi đã xin phép hội chúng thực hiện hành sự, phục hồi sau khi đã quan tâm đến ước muốn của nhóm, phục hồi vị ni đang thực hành các phận sự, phục hồi khi hội chúng thực hiện hành sự không còn tồn tại, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều saṅghādisesa thứ tư.