TẠNG LUẬT
PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU
BỘ PĀCITTIYA
1. PHẨM NÓI DỐI:
7. ĐIỀU HỌC VỀ THUYẾT PHÁP:
Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi là vị thường tới lui với các gia đình và đi đến nhiều gia đình ở thành Sāvatthī. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến gia đình nọ. Vào lúc bấy giờ, bà chủ nhà đang ngồi ở cửa lớn của căn nhà. Cô con dâu đang ngồi ở cửa phòng trong. Khi ấy, đại đức Udāyi đã đi đến gặp bà chủ nhà, sau khi đến đã thuyết Pháp thầm thì bên tai của bà chủ nhà. Khi ấy, cô con dâu đã khởi ý điều này: “Vị Sa-môn ấy là tình nhân của mẹ chồng hay là đang tán tỉnh?”
Sau đó, khi đã thuyết Pháp thầm thì bên tai của bà chủ nhà, đại đức Udāyi đã đi đến gặp cô con dâu, sau khi đến đã thuyết Pháp thầm thì bên tai của cô con dâu. Khi ấy, bà chủ nhà đã khởi ý điều này: “Vị Sa-môn ấy là tình nhân của con dâu hay là đang tán tỉnh?”
Sau đó, khi đã thuyết Pháp thầm thì bên tai của cô con dâu, đại đức Udāyi đã ra đi. Khi ấy, bà chủ nhà đã nói với cô con dâu điều này:—“Này con, vị Sa-môn ấy đã nói gì với con vậy?”—“Thưa mẹ, vị ấy đã thuyết Pháp cho con. Vậy đã nói gì với mẹ?”—“Cũng đã thuyết Pháp cho mẹ.” Hai người nữ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Tại sao đại đức Udāyi lại thuyết Pháp thầm thì bên tai, không lẽ Pháp không nên được thuyết giảng công khai và minh bạch?”
Các tỳ khưu đã nghe được các người nữ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, … (như trên) … các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao đại đức Udāyi lại thuyết Pháp đến người nữ?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên) … “Này Udāyi, nghe nói ngươi thuyết Pháp đến người nữ, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại thuyết Pháp đến người nữ vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào thuyết Pháp đến người nữ thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, các nữ cư sĩ sau khi nhìn thấy các tỳ khưu đã nói điều này:—“Xin các ngài đại đức hãy thuyết Pháp.”—“Này các chị gái, không được phép thuyết Pháp đến người nữ.”—“Xin các ngài đại đức hãy thuyết Pháp năm sáu câu thôi, có thể biết được chỉ với chừng ấy.”—“Này các chị gái, không được phép thuyết Pháp đến người nữ.” Rồi trong khi ngần ngại, các vị đã không thuyết. Các nữ cư sĩ phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Tại sao các ngài đại đức khi được chúng tôi thỉnh cầu lại không thuyết Pháp?” Các tỳ khưu đã nghe được các nữ cư sĩ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:—“Này các tỳ khưu, ta cho phép thuyết Pháp năm sáu câu đến người nữ. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào thuyết Pháp đến người nữ hơn năm sáu câu thì phạm tội pācittiya.”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép thuyết Pháp năm sáu câu đến người nữ.” Các vị ấy sau khi bảo người nam không trí suy xét ngồi gần rồi thuyết Pháp đến người nữ quá năm sáu câu. Các tỳ khưu ít ham muốn, … (như trên) … các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại bảo người nam không trí suy xét ngồi gần rồi thuyết Pháp đến người nữ quá năm sáu câu?”
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi bảo người nam không trí suy xét ngồi gần rồi thuyết Pháp đến người nữ quá năm sáu câu, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại bảo người nam không trí suy xét ngồi gần rồi thuyết Pháp đến người nữ quá năm sáu câu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu nào thuyết Pháp đến người nữ hơn năm sáu câu ngoại trừ có người nam có trí suy xét thì phạm tội pācittiya.”
Vị nào: là bất cứ vị nào … (như trên) …
Tỳ khưu: … nt … Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Người nữ: nghĩa là nữ nhân loại, không phải nữ Dạ-xoa, không phải ma nữ, không phải loài thú cái, có trí suy xét, có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là (lời nói) thô tục và không thô tục.
Hơn năm sáu câu: là vượt quá năm sáu câu.
Pháp nghĩa là được giảng bởi đức Phật, được giảng bởi các vị Thinh Văn, được giảng bởi các vị ẩn sĩ, được giảng bởi chư Thiên, có liên quan đến mục đích, có liên quan đến Giáo Pháp.
Thuyết: vị thuyết theo câu thì phạm tội pācittiya theo mỗi một câu. Vị thuyết theo từ thì phạm tội pācittiya theo mỗi một từ.
Ngoại trừ có người nam có trí suy xét: trừ ra có người nam có trí suy xét.
Người nam có trí suy xét nghĩa là có khả năng nhận biết lời nói tốt và lời nói xấu, là (lời nói) thô tục và không thô tục.
Người nữ, nhận biết là người nữ, vị thuyết Pháp hơn năm sáu câu thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có người nam có trí suy xét. Người nữ, có sự hoài nghi, vị thuyết Pháp hơn năm sáu câu thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có người nam có trí suy xét. Người nữ, (lầm) tưởng không phải là người nữ, vị thuyết Pháp hơn năm sáu câu thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có người nam có trí suy xét.
Vị thuyết Pháp hơn năm sáu câu đến nữ Dạ-xoa, hoặc ma nữ, hoặc người vô căn, hoặc loài thú có thân người nữ thì phạm tội dukkaṭa ngoại trừ có người nam có trí suy xét. Không phải là người nữ, (lầm) tưởng là người nữ, phạm tội dukkaṭa. Kkhông phải là người nữ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là người nữ, nhận biết không phải là người nữ thì vô tội.
Vị thuyết Pháp hơn năm sáu câu có người nam có trí suy xét, vị thuyết Pháp chưa tới năm sáu câu, vị sau khi đứng dậy ngồi xuống lại rồi thuyết Pháp, vị thuyết trong khi người nữ đứng dậy rồi ngồi xuống lại, vị thuyết đến người nữ khác, vị hỏi câu hỏi, vị trả lời khi được hỏi câu hỏi, trong khi đang thuyết vì lợi ích của người nam khác thì người nữ lắng nghe, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học về thuyết Pháp là thứ bảy.