TẠNG LUẬT

PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU

BỘ PĀRĀJIKA

1. CHƯƠNG PĀRĀJIKA:

CHƯƠNG VERAÑJĀ:

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Verañjā, ở cội cây Nimba của Dạ-xoa Naḷeru, cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Vị Bà-la-môn Verañja đã nghe được rằng: “Chắn chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, và hiện ngự tại Verañjā, ở cội cây Nimba của Dạ-xoa Naḷeru, cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Tiếng tăm tốt đẹp về Ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự. Vị ấy giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy!”

Sau đó, Bà-la-môn Verañja đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Verañja đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Thưa Ngài Gotama, tôi đã được nghe điều này: ‘Sa-môn Gotama không cung kính, hoặc không đứng dậy, hoặc không mời chỗ ngồi đến các vị Bà-la-môn già cả, uy tín, lớn tuổi, sống thọ, đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời.’ Thưa Ngài Gotama, điều ấy thật đúng như thế! Bởi vì Ngài Gotama không cung kính, hoặc không đứng dậy, hoặc không mời chỗ ngồi đến các vị Bà-la-môn già cả, uy tín, lớn tuổi, sống thọ, đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Thưa Ngài Gotama, điều ấy thật không thích đáng!”

—“Này Bà-la-môn, trong thế gian tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, Ta không thấy một ai mà Ta có thể cung kính, hoặc có thể đứng dậy, hoặc có thể mời chỗ ngồi. Này Bà-la-môn, bởi vì nếu Như Lai cung kính, hoặc đứng dậy, hoặc mời chỗ ngồi người nào thì đầu của người ấy sẽ bị vỡ tan.”

—“Ngài Gotama không biết về phẩm chất!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama không biết về phẩm chất.’ Này Bà-la-môn, các phẩm chất về sắc, các phẩm chất về thinh, các phẩm chất về hương, các phẩm chất về vị, các phẩm chất về xúc, đối với Như Lai các việc ấy đã được dứt bỏ, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama không biết về phẩm chất;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama không biết thưởng thức!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama không biết thưởng thức.’ Này Bà-la-môn, các sự thưởng thức về sắc, các sự thưởng thức về thinh, các sự thưởng thức về hương, các sự thưởng thức về vị, các sự thưởng thức về xúc, đối với Như Lai các việc ấy đã được dứt bỏ, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama không biết thưởng thức;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama thuyết về không hành động!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama thuyết về không hành động.’ Này Bà-la-môn, bởi vì Ta thuyết về không hành động đối với việc làm ác do thân, đối với lời nói ác do miệng, đối với suy nghĩ ác do ý; Ta thuyết về không hành động của các pháp ác và bất thiện có nhiều dạng. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama thuyết về không hành động;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama thuyết về đoạn diệt!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt.’ Này Bà-la-môn, bởi vì Ta thuyết về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân hận, của si mê; Ta thuyết về sự đoạn diệt của các pháp ác và bất thiện có nhiều dạng. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama có sự ghê tởm!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama có sự ghê tởm.’ Này Bà-la-môn, bởi vì Ta ghê tởm với việc làm ác do thân, với lời nói ác do miệng, với suy nghĩ ác do ý; Ta ghê tởm đối với sự thành tựu của các pháp ác và bất thiện có nhiều dạng. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama có sự ghê tởm;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama là người cách ly!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người cách ly.’ Này Bà-la-môn, bởi vì Ta thuyết về pháp đưa đến sự cách ly đối với luyến ái, đối với sân, đối với si; Ta thuyết về pháp đưa đến sự cách ly đối với các pháp ác và bất thiện có nhiều dạng. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người cách ly;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama là người thiêu đốt!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thiêu đốt.’ Này Bà-la-môn, Ta thuyết rằng các pháp ác và bất thiện tức là việc làm ác do thân, lời nói ác do miệng, và suy nghĩ ác do ý cần được thiêu đốt. Này Bà-la-môn, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; Ta gọi người ấy là: ‘Người thiêu đốt.’ Này Bà-la-môn, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được dứt bỏ, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thiêu đốt;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.”

—“Ngài Gotama là người thoát khỏi bào thai!”—“Này Bà-la-môn, thật sự có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thoát khỏi bào thai.’ Này Bà-la-môn, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được dứt bỏ, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; Ta gọi người ấy là: ‘Người thoát khỏi bào thai.’ Này Bà-la-môn, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được dứt bỏ, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về Ta thì có thể nói rằng: ‘Sa-môn Gotama là người thoát khỏi bào thai;’ và chắc chắn rằng ông không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.

Này Bà-la-môn, cũng giống như con gà mái có được tám, hoặc mười, hoặc mười hai quả trứng. Nếu con gà mái nằm lên trên chúng đúng cách, ủ nóng đều đúng cách, ấp đúng cách, và trong số các con gà con mới nở ấy, con nào dùng vuốt của móng chân hoặc mỏ phá vỡ vỏ trứng và nở ra an toàn trước tiên, thì điều nên nói về con gà con ấy là thế nào, lớn nhất hay nhỏ nhất?”—“Thưa Ngài Gotama, nên gọi nó là ‘con lớn nhất’ bởi vì nó lớn nhất trong bầy.”—“Này Bà-la-môn, cũng tương tợ như thế trong số chúng sanh sống trong vô minh (ví như) đang ở trong quả trứng và bị trùm kín lại, Ta là người duy nhất đã phá vỡ vỏ trứng vô minh và chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác vô thượng ở trên đời. Này Bà-la-môn, chính Ta đây là người đứng đầu và cao cả nhất của thế gian.

Này Bà-la-môn, hơn nữa Ta đã có sự tinh tấn bền vững không bị trì trệ, có niệm được thiết lập không bị xao lãng, có thân được khinh an không còn rạo rực, có tâm được định tĩnh tập trung. Này Bà-la-môn, quả vậy sau khi đã tách ly khỏi các dục và tách ly khỏi các pháp bất thiện, Ta đây đã chứng đạt và trú thiền thứ nhất với hỷ và lạc sanh lên do tách ly (khỏi các triền cái), có tầm, có tứ. Do sự yên lặng của tầm và tứ, Ta đã chứng đạt và trú thiền thứ hai với nội phần an tĩnh, tâm được chuyên nhất, có hỷ và lạc sanh lên do định, không tầm, không tứ. Và do sự không còn tham muốn ở hỷ, với xả Ta đã trú. Có niệm và tỉnh giác, Ta đã chứng nghiệm trạng thái lạc bằng thân, đó là điều mà các bậc Thánh nói rằng: ‘Vị ấy có xả, có niệm, có sự trú vào lạc;’ Ta đã chứng đạt và trú thiền thứ ba. Do sự từ bỏ lạc, do sự từ bỏ khổ (của thân), do sự biến mất của hỷ và ưu ở tâm (đã có) trước đây, Ta đã chứng đạt và trú thiền thứ tư với sự thanh tịnh của xả và niệm, không khổ không lạc.

Trong khi tâm được định tĩnh, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đạt đến trạng thái vững chắc như thế, Ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí tuệ ghi nhớ về các kiếp sống trước. Ta nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, một trăm ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: ‘Ở nơi ấy, Ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, Ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, Ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, Ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.’ Như thế, Ta nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét đại cương và cá biệt. Này Bà-la-môn, quả vậy vào canh đầu của đêm Ta đã chứng đạt Minh thứ nhất này, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi. Như thế ấy là điều (Ta đã thành đạt) trong lúc Ta sống không xao lãng, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, chính điều này đã là sự khai mở đầu tiên của Ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.

Trong khi tâm được định tĩnh, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc như thế, Ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí về sự sanh tử của chúng sanh. Bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, Ta đây nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, (hay) đau khổ, Ta biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng (như vầy):

‘Quả đúng như vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có hành động xấu xa bằng thân, có hành động xấu xa bằng lời nói, có suy nghĩ xấu xa bằng ý, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành các hành động do tà kiến. Những kẻ ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có hành động tốt đẹp bằng thân, có hành động tốt đẹp bằng lời nói, có suy nghĩ tốt đẹp bằng ý, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành các hành động do chánh kiến. Những người ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời, loài người.’ Như thế, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, Ta nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, (hay) đau khổ, Ta biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng. Này Bà-la-môn, quả vậy vào canh giữa của đêm Ta đã chứng đạt Minh thứ hai này, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi. Như thế ấy là điều (Ta đã thành đạt) trong lúc Ta sống không xao lãng, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, chính điều này đã là sự khai mở thứ hai của Ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.

Trong khi tâm được định tĩnh, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc như thế, Ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí tuệ đoạn tận các lậu hoặc. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là Khổ’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là nguyên nhân của Khổ’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là sự Diệt Khổ’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự Diệt Khổ’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là các lậu hoặc’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là sự diệt tận các lậu hoặc’ đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc’ đúng theo bản thể thật. Trong khi Ta đây biết được như thế, thấy được như thế, thì tâm cũng đã được giải thoát khỏi dục lậu, tâm cũng đã được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm cũng đã được giải thoát khỏi vô minh lậu. Khi đã được giải thoát, trí của Ta đây đã khởi lên rằng: ‘Đã được giải thoát.’ Và Ta đã biết rõ rằng: ‘Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác cho việc (giải thoát) này nữa.’ Này Bà-la-môn, quả vậy vào canh cuối của đêm Ta đã chứng đạt Minh thứ ba này, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi. Như thế ấy là điều (Ta đã thành đạt) trong lúc Ta sống không xao lãng, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, chính điều này đã là sự khai mở thứ ba của Ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.”

Khi được nói như thế, Bà-la-môn Verañja đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Ngài Gotama là vị đứng đầu, Ngài Gotama là người cao cả nhất. Bạch Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tợ như thế, Pháp đã được Ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Tôi đây đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama chấp nhận tôi là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Xin Ngài Gotama hãy nhận lời tôi về việc cư trú mùa mưa ở Verañjā cùng với hội chúng tỳ khưu.”

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn, Bà-la-môn Verañja đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Vào lúc bấy giờ, xứ Verañjā có sự khan hiếm về vật thực, khó kiếm ăn, có dịch bệnh, thẻ vật thực được phân phối, không dễ sinh sống bằng sự ra sức khất thực. Vào lúc bấy giờ, có những người buôn ngựa từ xứ Uttarāpatha đã đến cư trú mùa mưa ở Verañjā cùng với năm trăm con ngựa. Ở các bãi nhốt ngựa, họ có chuẩn bị từng phần lúa mạch cho các vị tỳ khưu. Vào buổi sáng, các vị tỳ khưu mặc y cầm y bát rồi đi vào trong thành Verañjā để khất thực. Khi không nhận được đồ ăn khất thực, các vị đi đến khất thực ở các bãi nhốt ngựa và mang về tu viện (mỗi vị) một phần lúa mạch. Các vị giã đi giã lại trong cối giã rồi thọ dụng. Đại đức Ānanda nghiền phần lúa mạch ở tảng đá rồi dâng lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thọ dụng thức ấy.

Quả vậy, đức Thế Tôn đã nghe tiếng cối giã. Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi. Các đấng Như lai hỏi có liên quan đến lợi ích và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích. Khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu bởi hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc sẽ quy định điều học cho các đệ tử.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:—“Này Ānanda, tiếng cối giã ấy là gì vậy?” Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này Ānanda, tốt lắm! Tốt lắm! Này Ānanda, (điều ấy) đã được khắc phục bởi các ngươi là những người hoàn thiện. Về sau này, con người sẽ chê bai cơm gạo sāli và thịt.”

Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch Ngài, hiện nay Verañjā có sự khan hiếm về vật thực, khó kiếm ăn, có dịch bệnh, thẻ vật thực được phân phối, không dễ sinh sống bằng sự ra sức khất thực. Bạch Ngài, bề mặt bên dưới của đại địa cầu này có chất như là mật ong, không cặn bã, và có hương vị y như thế. Bạch Ngài, thật tốt thay nếu con lật ngửa quả địa cầu ra (để rồi) các tỳ khưu sẽ thọ dụng chất bổ dưỡng (ấy).”

—“Này Moggallāna, còn các chúng sanh sống ở quả địa cầu thì ngươi sẽ giải quyết thế nào?”

—“Bạch Ngài, con sẽ biến hoá một bàn tay trở thành giống như đại địa cầu và sẽ di chuyển chúng sanh sống ở quả địa cầu đến đó, rồi con sẽ lật ngửa quả địa cầu ra bằng cánh tay kia.”

—“Này Moggallāna, thôi đi. Ngươi chớ thích thú để lật ngửa quả địa cầu ra nữa khiến chúng sanh sẽ phải gánh chịu sự xáo trộn.”

—“Bạch Ngài, thật tốt thay nếu tất cả hội chúng tỳ khưu có thể đi đến Uttarakuru để khất thực.”

—“Này Moggallāna, thôi đi. Ngươi chớ thích thú đến việc đi đến Uttarakuru để khất thực của toàn bộ hội chúng tỳ khưu nữa.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã không tồn tại lâu dài? Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã tồn tại lâu dài?”

Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Sāriputta khi xuất khỏi thiền tịnh đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch Ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã không tồn tại lâu dài? Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã tồn tại lâu dài?’

Bạch Ngài, vậy thì Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã không tồn tại lâu dài? Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã tồn tại lâu dài?”

—“Này Sāriputta, Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài. Này Sāriputta, Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài.”

—“Bạch Ngài, vậy do nhân gì, do duyên gì khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài?”

—“Này Sāriputta, đức Thế Tôn Vipassī, đức Thế Tôn Sikhī, và đức Thế Tôn Vessabhū đã không ra sức để thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có ít suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhutadhammaṃ, vedallaṃ. Điều học cho các đệ tử đã không được quy định và giới bổn Pātimokkha đã không được công bố.

Với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh ấy biến mất thật nhanh chóng. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt xuống ở trên tấm ván sàn và không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) làm phân tán, làm tung toé, và hủy hoại chúng. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Này Sāriputta, giống như việc (các bông hoa) không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, này Sāriputta tương tợ y như thế với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh ấy biến mất thật nhanh chóng.

Và chư Phật Thế Tôn ấy (chỉ) ra sức dùng tâm biết được tâm để giáo huấn các đệ tử. Này Sāriputta, trong thời quá khứ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Vessabhū, ở trong khu rừng ghê rợn nọ, dùng tâm biết được tâm rồi giáo huấn và chỉ dạy hội chúng tỳ khưu một ngàn vị rằng: ‘Hãy suy tầm như vầy. Chớ suy tầm như thế. Hãy tác ý như vầy. Chớ tác ý như thế. Hãy từ bỏ điều này. Hãy thành tựu rồi an trú điều này.’ Này Sāriputta, khi ấy trong lúc được đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Vessabhū giáo huấn như thế chỉ dạy như thế, các tâm của một ngàn vị tỳ khưu ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này Sāriputta, vào trường hợp ấy trong khi đã bị kinh sợ đối với khu rừng ghê rợn, người nào chưa dứt bỏ ái dục đi vào khu rừng ấy thì hầu hết các sợi lông sẽ dựng đứng lên.

Này Sāriputta, đây là nhân đây là duyên khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài.”

—“Bạch Ngài, vậy do nhân gì, do duyên gì khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài?”

—“Này Sāriputta, đức Thế Tôn Kakusandha, đức Thế Tôn Konāgamana, và đức Thế Tôn Kassapa đã ra sức để thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có nhiều suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhūtadhammaṃ, vedallaṃ. Điều học cho các Thinh Văn đã được quy định và giới bổn Pātimokkha đã được công bố.

Với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã duy trì Phạm hạnh ấy lâu dài và trường cửu. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt xuống ở trên tấm ván sàn và được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) không làm tản mác, không làm tung toé, và không hủy hoại chúng. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Này Sāriputta, giống như việc (các bông hoa) được kết lại với nhau bằng sợi chỉ; này Sāriputta tương tợ như thế với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh Văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử về sau này có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã duy trì Phạm hạnh ấy lâu dài và trường cửu.

Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài.”

Sau đó, đại đức Sāriputta đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch đức Thế Tôn, nay là thời điểm của việc ấy. Bạch đấng Thiện Thệ, nay là thời điểm của việc ấy, (tức là thời điểm) đức Thế Tôn nên quy định điều học cho các đệ tử, nên công bố giới bổn Pātimokkha; như thế Phạm hạnh này có thể được tiếp tục và tồn tại lâu dài.”

—“Này Sāriputta, ngươi hãy chờ đợi! Này Sāriputta, ngươi hãy chờ đợi! Trong trường hợp ấy, chỉ có Như Lai mới biết thời điểm. Này Sāriputta, cho đến khi nào ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện ở hội chúng thì cho đến khi ấy bậc Đạo Sư chưa quy định điều học cho các đệ tử và chưa công bố giới bổn Pātimokkha. Này Sāriputta, chính bởi vì ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện ở hội chúng nên bậc Đạo Sư quy định điều học cho các đệ tử và công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy.

Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về số lượng thì cho đến khi ấy ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện ở hội chúng. Này Sāriputta, chính bởi vì hội chúng đạt đến sự đông đảo về số lượng nên ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện ở hội chúng, nên bậc Đạo Sư quy định điều học cho các đệ tử và công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy.

Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về việc phát triển thì cho đến khi ấy ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện ở hội chúng. Này Sāriputta, chính bởi vì hội chúng đạt đến sự lớn mạnh về việc phát triển nên ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện ở hội chúng, nên bậc Đạo Sư quy định điều học cho các đệ tử và công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy.

Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự dồi dào về lợi lộc thì cho đến khi ấy ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện ở hội chúng. Này Sāriputta, chính bởi vì hội chúng đạt đến sự dồi dào về lợi lộc nên ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện ở hội chúng, nên bậc Đạo Sư quy định điều học cho các đệ tử và công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy.

Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về việc học nhiều thì cho đến khi ấy ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện ở hội chúng. Này Sāriputta, chính bởi vì hội chúng đạt đến sự lớn mạnh về việc học nhiều nên ở đây một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện ở hội chúng, nên bậc Đạo Sư quy định điều học cho các đệ tử và công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy.

Này Sāriputta, bởi vì hội chúng tỳ khưu không có ô nhiễm, không có tội lỗi, có ác pháp đã lìa, được trong sạch, đã an trú vào mục đích. Này Sāriputta, bởi vì trong số năm trăm tỳ khưu này, vị tỳ khưu thấp nhất (đã) là vị Nhập Lưu, không còn pháp bị đọa, được bền vững, và hướng đến sự giác ngộ.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:—“Này Ānanda, điều này quả nhiên đã trở thành thông lệ của các đấng Như Lai là khi các vị cư trú mùa mưa do những ai đã thỉnh mời thì các vị không ra đi du hành trong xứ sở khi chưa thông báo cho những người ấy. Này Ānanda, chúng ta sẽ thông báo cho Bà-la-môn Verañja này.”—“Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda đã đáp lời đức Thế Tôn.

Sau đó, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát cùng với đại đức Ānanda là Sa-môn thị giả đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.

Khi ấy, Bà-la-môn Verañja đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Verañja đang ngồi một bên điều này:—“Này Bà-la-môn, được ông thỉnh mời chúng tôi đã trú qua mùa mưa. Giờ chúng tôi thông báo ông rằng chúng tôi muốn ra đi du hành trong xứ sở.”

—“Bạch Ngài Gotama, sự thật là các vị đã được tôi thỉnh mời và đã trú qua mùa mưa. Tuy nhiên, việc cúng dường là chưa được dâng cúng. Và điều ấy quả không phải là không có vật bố thí, cũng không phải là không có lòng bố thí. Trong trường hợp này làm sao có thể đạt được điều ấy? Bởi vì cuộc sống tại gia có nhiều phận sự và có nhiều việc cần phải làm. Xin Ngài Gotama nhận lời buổi trai phạn của tôi vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy Bà-la-môn Verañja đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm tại tư gia của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn rằng:—“Bạch Ngài Gotama, đã đến giờ. Thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y cầm y bát đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, Bà-la-môn Verañja đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời bình bát, Bà-la-môn Verañja đã choàng lên đức Thế Tôn với ba y và đã choàng lên mỗi một vị tỳ khưu với một xấp vải đôi. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

Sau đó, khi đã ngụ tại Verañjā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã đi dọc theo Soreyya, Saṅkassa, Kaṇṇakujja, và đến được bến đò Payāga. Sau khi đến nơi, Ngài đã vượt qua sông Gaṅgā tại bến đò Payāga và đã ngự đến thành Bārāṇasī. Sau đó, khi đã ngụ tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Vesālī. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi ấy, trong thành Vesālī, đức Thế Tôn ngụ tại Mahāvana, nơi giảng đường Kūṭāgāra.

Dứt tụng phẩm Verañjā.

1. ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ NHẤT:

(Ở đây, bốn điều Pārājika này được đưa ra đọc tụng)

Vào lúc bấy giờ, ở không xa thành Vesālī có ngôi làng tên là Kalanda. Ở nơi ấy, có người con trai nhà đại phú tên là Sudinna Kalandaputta. Khi ấy, Sudinna Kalandaputta đã đi đến Vesālī cùng với nhiều người bạn vì công việc cần làm nào đó. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết giảng Giáo Pháp.

Sudinna Kalandaputta đã nhìn thấy đức Thế Tôn được vây quanh bởi hội chúng đông đảo đang ngồi thuyết giảng Giáo Pháp. Sau khi nhìn thấy, anh ta đã khởi ý điều này: “Hay là ta cũng nên nghe Pháp?” Khi ấy, Sudinna Kalandaputta đã đi đến gần hội chúng ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Sudinna Kalandaputta đã khởi ý điều này: “Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc này không phải là dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh như vỏ ốc được cạo sạch. Hay là ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?”

Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, hội chúng ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.

Sau đó, khi hội chúng đã đứng dậy không bao lâu, Sudinna Kalandaputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Sudinna Kalandaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch Ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc này không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh như vỏ ốc được cạo sạch. Bạch Ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Xin đức Thế Tôn hãy (làm lễ) xuất gia cho con.”

—“Này Sudinna, vậy ngươi đã được mẹ và cha cho phép về việc rời nhà xuất gia sống không nhà chưa?”

—“Bạch Ngài, con chưa được mẹ và cha cho phép về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.”

—“Này Sudinna, các đức Như Lai không (làm lễ) xuất gia cho người con trai chưa được mẹ và cha cho phép.”

—“Bạch Ngài, bằng cách nào khiến mẹ và cha sẽ cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà thì con đây sẽ làm theo cách ấy.”

Sau đó, khi đã hoàn tất công việc cần làm ấy ở Vesālī, Sudinna Kalandaputta đã đi về lại làng Kalanda đến gặp mẹ và cha, sau khi đến đã nói với mẹ và cha điều này:—“Mẹ và cha à, theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc này không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh như vỏ ốc được cạo sạch. Con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Hãy cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi được nói như thế, mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna thương, con chính là con trai một, yêu dấu, quý mến của mẹ và cha, được lớn lên trong sung sướng, và được chăm sóc cẩn thận. Này Sudinna thương, con không biết bất cứ điều gì về khổ đau. Chỉ có sự chết thì mẹ và cha đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ và cha lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được?”

Đến lần thứ nhì, … (như trên) … Đến lần thứ ba, Sudinna Kalandaputta đã nói với mẹ và cha điều này:—“Mẹ và cha à, theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc này không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn thanh tịnh như vỏ ốc được cạo sạch. Con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Hãy cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ ba, mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna thương, con chính là con trai một, yêu dấu, quý mến của mẹ và cha, được lớn lên trong sung sướng, và được chăm sóc cẩn thận. Này Sudinna thương, con không biết bất cứ điều gì về khổ đau. Chỉ có sự chết thì mẹ và cha đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ và cha lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được?”

Khi ấy, Sudinna Kalandaputta (nghĩ rằng): “Mẹ và cha không cho phép ta về việc rời nhà xuất gia sống không nhà!” rồi đã nằm xuống ngay tại chỗ ấy, ở trên nền đất không có trải lót (nói rằng):—“Đối với tôi, hoặc là sẽ xảy ra cái chết ngay tại nơi đây, hoặc là sự xuất gia.” Sau đó, Sudinna Kalandaputta đã không ăn một bữa, đã không ăn hai bữa, đã không ăn ba bữa, đã không ăn bốn bữa, đã không ăn năm bữa, đã không ăn sáu bữa, đã không ăn bảy bữa.

Khi ấy, mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna thương, con chính là con trai một, yêu dấu, quý mến của mẹ và cha, được lớn lên trong sung sướng, và được chăm sóc cẩn thận. Này Sudinna thương, con không biết bất cứ điều gì về khổ đau. Chỉ có sự chết thì mẹ và cha đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ và cha lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được? Này Sudinna thương, con hãy đứng dậy, hãy ăn, hãy uống, và hãy chơi đùa. Trong khi ăn, trong khi uống, trong khi chơi đùa, trong khi thọ hưởng các dục, trong khi làm các điều phước thiện, con có thể thỏa thích, chớ mẹ và cha không cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi được nói như vậy, Sudinna Kalandaputta đã im lặng. Đến lần thứ nhì, … (như trên) … Đến lần thứ ba, mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna thương, con chính là con trai một, yêu dấu, quý mến của mẹ và cha, được lớn lên trong sung sướng, và được chăm sóc cẩn thận. Này Sudinna thương, con không biết bất cứ điều gì về khổ đau. Chỉ có sự chết thì mẹ và cha đành phải xa con một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc con đang còn sống mẹ và cha lại cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được? Này Sudinna thương, con hãy đứng dậy, hãy ăn, hãy uống, và hãy chơi đùa. Trong khi ăn, trong khi uống, trong khi chơi đùa, trong khi thọ hưởng các dục, trong khi làm các điều phước thiện, con có thể thỏa thích, chớ mẹ và cha không cho phép con về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ ba, Sudinna Kalandaputta đã im lặng.

Sau đó, những người bạn của Sudinna Kalandaputta đã đi đến gặp Sudinna Kalandaputta, sau khi đến đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna mến, bạn chính là con trai một, yêu dấu, quý mến của mẹ và cha, được lớn lên trong sung sướng, và được chăm sóc cẩn thận. Này Sudinna mến, bạn không biết bất cứ điều gì về khổ đau. Chỉ có sự chết thì mẹ và cha đành phải xa bạn một cách miễn cưỡng; làm sao trong lúc bạn đang còn sống mẹ và cha lại cho phép bạn về việc rời nhà xuất gia sống không nhà được? Này Sudinna mến, bạn hãy đứng dậy, hãy ăn, hãy uống, và hãy chơi đùa. Trong khi ăn, trong khi uống, trong khi chơi đùa, trong khi thọ hưởng các dục, trong khi làm các điều phước thiện, bạn có thể thỏa thích, chớ mẹ và cha không cho phép bạn về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi được nói như vậy, Sudinna Kalandaputta đã im lặng. Đến lần thứ nhì, … (như trên) … Đến lần thứ ba, những người bạn của Sudinna Kalandaputta đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna thương, bạn chính là … (như trên) … Đến lần thứ ba, Sudinna Kalandaputta đã im lặng.

Khi ấy, những người bạn của Sudinna Kalandaputta đã đi đến gặp mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta, sau khi đến đã nói với mẹ và cha của Sudinna Kalandaputta điều này:—“Mẹ và cha à, Sudinna này nằm trên nền đất không có trải lót (nói rằng): ‘Đối với tôi, hoặc là sẽ xảy ra cái chết ngay tại đây, hoặc là sự xuất gia.’ Nếu mẹ và cha không cho phép Sudinna về việc rời nhà xuất gia sống không nhà, anh ta sẽ đi đến cái chết ngay tại chỗ ấy. Vả lại, nếu mẹ và cha cho phép Sudinna về việc rời nhà xuất gia sống không nhà, mẹ và cha sẽ còn nhìn thấy anh ta cho dù đã xuất gia. Nếu Sudinna không thỏa thích trong việc rời nhà xuất gia sống không nhà, thì còn chốn nào khác cho anh ta đây? Anh ta sẽ quay trở về ngay tại chỗ này. Mẹ và cha hãy cho phép Sudinna về việc rời nhà xuất gia sống không nhà đi.”—“Các con thương, mẹ và cha cho phép Sudinna về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.” Sau đó, những người bạn của Sudinna Kalandaputta đã đi đến gặp Sudinna Kalandaputta, sau khi đến đã nói với Sudinna Kalandaputta điều này:—“Này Sudinna mến, hãy đứng dậy đi. Bạn đã được mẹ và cha cho phép về việc rời nhà xuất gia sống không nhà.”

Khi ấy, Sudinna Kalandaputta (nghĩ rằng): “Nghe nói ta đã được mẹ và cha cho phép về việc rời nhà xuất gia sống không nhà” nên mừng rỡ phấn chấn, vừa đứng dậy vừa dùng bàn tay phủi khắp mình mẩy. Sau đó nhiều ngày, Sudinna Kalandaputta đã phục hồi lại sức khoẻ và đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Sudinna Kalandaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch Ngài, con đã được mẹ và cha cho phép về việc rời nhà xuất gia sống không nhà. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy (làm lễ) xuất gia cho con.” Rồi Sudinna Kalandaputta đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. Khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Sudinna đã thọ trì và thực hành các đức hạnh từ khước có hình thức như vầy: là vị ngụ ở rừng, là vị chuyên khất thực, là vị mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, là vị đi khất thực theo tuần tự từng nhà. Đại đức sống nương tựa vào ngôi làng nọ thuộc xứ Vajjī.

Vào lúc bấy giờ, xứ Vajjī có sự khan hiếm về vật thực, khó kiếm ăn, có dịch bệnh, thẻ vật thực được phân phối, không dễ sinh sống bằng sự ra sức khất thực. Khi ấy, đại đức Sudinna đã khởi ý điều này: “Hiện nay, xứ Vajjī có sự khan hiếm về vật thực, khó kiếm ăn, có dịch bệnh, thẻ vật thực được phân phối, không dễ sinh sống bằng sự ra sức khất thực. Vả lại, nhiều quyến thuộc của ta ở trong thành Vesālī thì giàu sang, có nhiều của cải, nhiều tài sản, có vô số vàng bạc, vô số vật dụng, và dồi dào lúa gạo, hay là ta nên sống nương tựa vào quyến thuộc vậy? Do có liên quan đến ta, quyến thuộc sẽ ban phát các vật thí. Họ sẽ làm các điều phước thiện và các tỳ khưu sẽ nhận được lợi lộc, còn ta sẽ không bị khó nhọc về đồ ăn khất thực.”

Sau đó, đại đức Sudinna đã thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm y bát, và ra đi về phía thành Vesālī. Theo tuần tự, đại đức đã đến được thành Vesālī. Tại nơi ấy trong thành Vesālī, đại đức Sudinna trú ở Mahāvana. Quyến thuộc của đại đức Sudinna đã nghe được rằng: “Nghe nói Sudinna con trai của Kalanda đã đến thành Vesālī.” Họ đã đem lại biếu cho đại đức Sudinna bữa ăn gồm sáu mươi nồi cơm. Khi ấy, đại đức Sudinna đã phân chia sáu mươi nồi cơm ấy cho các tỳ khưu, rồi vào buổi sáng đã mặc y, cầm y bát, đi vào làng Kalanda để khất thực. Trong khi đi tuần tự từng nhà để khất thực, đại đức đã đi đến nhà của cha mình.

Vào lúc bấy giờ, người nữ tỳ của quyến thuộc của đại đức Sudinna có ý định đổ đi món cháo chua đã để cách đêm. Khi ấy, đại đức Sudinna đã nói với người nữ tỳ của quyến thuộc ấy điều này:—“Này chị gái, nếu vật ấy cần phải đổ bỏ thì hãy trút vào đây trong bình bát của tôi.” Khi ấy, trong lúc đang trút món cháo chua đã để cách đêm ấy vào bình bát của đại đức Sudinna, người nữ tỳ của quyến thuộc của đại đức Sudinna đã nhận ra đặc điểm của các cánh tay, của các bàn chân, và của giọng nói (của đại đức Sudinna). Sau đó, người nữ tỳ của quyến thuộc của đại đức Sudinna đã đi đến gặp mẹ của đại đức Sudinna, sau khi đến đã nói với mẹ của đại đức Sudinna điều này:—“Bẩm bà, bà nên biết là công tử Sudinna đã trở về.”—“Này nô tỳ, nếu ngươi nói đúng, ta sẽ ban cho ngươi khỏi phận tôi tớ.”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sudinna (ngồi) tựa vào chân của vách tường nọ rồi thọ thực món cháo chua đã để cách đêm ấy. Và người cha của đại đức Sudinna trong lúc đi công chuyện đã nhìn thấy đại đức Sudinna (ngồi) tựa vào chân của vách tường nọ đang thọ thực món cháo chua đã để cách đêm ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đại đức Sudinna, sau khi đến đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, lẽ nào con lại ăn món cháo chua đã để cách đêm? Này Sudinna thương, hay là con nên đi về nhà mình đi?”—“Này gia chủ, tôi đã đi đến nhà của ông rồi. Từ nơi đó mà có được món cháo chua đã để cách đêm này.” Khi ấy, người cha của đại đức Sudinna đã nắm lấy cánh tay của đại đức Sudinna và nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, hãy đi. Chúng ta sẽ đi về nhà.” Sau đó, đại đức Sudinna đã đi đến nhà của cha mình, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người cha của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, con hãy ăn đi.”—“Này gia chủ, thôi đi. Việc thọ thực ngày hôm nay của tôi đã hoàn tất.”—“Này Sudinna thương, vậy con hãy nhận lời bữa ăn vào ngày mai.” Đại đức Sudinna đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau đó, đại đức Sudinna đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, khi tàn đêm ấy mẹ của đại đức Sudinna đã cho phủ lên mặt đất bằng phân bò tươi rồi bảo người chất hai đống gồm một vàng, một bạc. Các đống ấy đã lớn đến mức khiến người đứng ở phía bên này không nhìn thấy người đứng ở phía bên kia, và người đứng ở phía bên kia không nhìn thấy người đứng ở phía bên này. Sau khi đã cho che lại các đống ấy bằng những tấm thảm, cho sắp đặt chỗ ngồi ở giữa, và cho che màn xung quanh, mẹ của đại đức Sudinna đã bảo người vợ cũ của đại đức Sudinna rằng:—“Này con dâu, như thế thì khi trang điểm với đồ trang sức nào mà con đã được con trai Sudinna yêu thương quý mến thì con hãy trang điểm với đồ trang sức ấy.”—“Thưa mẹ, xin vâng,” người vợ cũ của đại đức Sudinna đã trả lời mẹ của đại đức Sudinna.

Sau đó vào buổi sáng, đại đức Sudinna đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nhà của cha mình, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, cha của đại đức Sudinna đã đi đến gặp đại đức Sudinna, sau khi đến đã cho mở hai đống ấy ra rồi đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, phần này là vật hồi môn thuộc người nữ là của mẹ con, phần kia là của cha, phần kia là của ông nội. Này Sudinna thương, con có thể quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường để thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện được mà. Này Sudinna thương, hãy quay về đi con. Hãy quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường, hãy thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện đi.”—“Cha à, tôi không thể nào, tôi không dám. Tôi đang thỏa thích thực hành Phạm hạnh.” Đến lần thứ nhì, … (như trên) … Đến lần thứ ba, cha của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, phần này là vật hồi môn thuộc người nữ là của mẹ con, phần kia là của cha, phần kia là của ông nội. Này Sudinna thương, con có thể quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường để thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện được mà. Này Sudinna thương, hãy quay về đi con. Hãy quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường, hãy thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện đi.”—“Này gia chủ, nếu gia chủ không quá căng thẳng thì chúng ta nên bàn về điều ấy.”—“Này Sudinna thương, hãy nói đi.”—“Này gia chủ, nếu vậy thì hãy bảo làm những bao tải thật lớn, cho đổ đầy vàng bạc vào, cho đưa lên các xe kéo hàng, rồi nhận chìm ở giữa sông Gaṅgā. Điều ấy có lý do là gì? Này gia chủ, bởi vì từ đó sẽ là nguyên nhân khiến ông có sự sợ hãi, hoặc có sự kinh hoàng, hoặc có lông dựng đứng, hoặc là sự gìn giữ; điều ấy sẽ không có cho ông nữa.” Khi được nói như thế, người cha của đại đức Sudinna đã tỏ ra không hài lòng:—“Tại sao con trai Sudinna lại nói như thế?”

Sau đó, cha của đại đức Sudinna đã bảo người vợ cũ của đại đức Sudinna rằng:—“Này con dâu, nếu vậy thì con cũng hãy nài nỉ. Có lẽ con trai Sudinna sẽ làm theo lời con.” Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã ôm lấy hai bàn chân của đại đức Sudinna và đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Công tử ơi, các nàng tiên nữ ấy như thế nào khiến chàng thực hành Phạm hạnh vì các nàng ấy vậy?”—“Này chị gái, tôi thực hành Phạm hạnh không phải vì các nàng tiên nữ.”

Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sudinna (nghĩ rằng): “Từ nay, công tử Sudinna xưng hô với ta bằng tiếng chị gái,” nên đã ngất đi rồi ngã xuống ngay tại chỗ ấy. Sau đó, đại đức Sudinna đã nói với cha điều này:—“Này gia chủ, nếu vật thực sẽ được bố thí thì hãy bố thí đi. Ông chớ có quấy rầy chúng ta nữa.”—“Này Sudinna thương, hãy ăn đi.” Khi ấy, mẹ và cha của đại đức Sudinna đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Sudinna với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Sau đó, khi đại đức Sudinna đã thọ thực xong bàn tay đã rời bình bát, mẹ của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, gia đình này thì giàu sang, có nhiều của cải, nhiều tài sản, có vô số vàng bạc, vô số vật dụng, và dồi dào lúa gạo. Này Sudinna thương, con có thể quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường để thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện được mà. Này Sudinna thương, hãy quay về đi con. Hãy quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường, hãy thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện đi.”—“Mẹ à, tôi không thể nào, tôi không dám. Tôi đang thỏa thích thực hành Phạm hạnh.” Đến lần thứ nhì, … (như trên) … Đến lần thứ ba, mẹ của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, gia đình này thì giàu sang, có nhiều của cải, nhiều tài sản, có vô số vàng bạc, vô số vật dụng, và dồi dào lúa gạo. Này Sudinna thương, chính vì điều ấy con hãy để lại chủng tử. Chớ để các Licchavi đoạt lấy tài sản không người thừa tự của chúng ta.”—“Mẹ à, điều này tôi có thể làm được.”—“Này Sudinna thương, hiện nay con ngụ ở đâu vậy?”—“Mẹ à, ở Mahāvana.” Sau đó, đại đức Sudinna đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, mẹ của đại đức Sudinna đã bảo người vợ cũ của đại đức Sudinna rằng:—“Này con dâu, nếu vậy thì khi nào đến thời kỳ, kinh nguyệt của con xuất hiện, khi ấy con hãy cho mẹ hay.”—“Thưa mẹ, xin vâng,” người vợ cũ của đại đức Sudinna đã trả lời mẹ của đại đức Sudinna. Sau đó chẳng bao lâu, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã đến thời kỳ, nàng đã có kinh nguyệt. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã nói với mẹ của đại đức Sudinna điều này:—“Thưa mẹ, con đã đến thời kỳ, kinh nguyệt của con đã xuất hiện.”—“Này con dâu, như thế thì khi trang điểm với đồ trang sức nào mà con đã được con trai Sudinna yêu thương quý mến thì con hãy trang điểm với đồ trang sức ấy.”—“Thưa mẹ, xin vâng,” người vợ cũ của đại đức Sudinna đã trả lời mẹ của đại đức Sudinna. Sau đó, mẹ của đại đức Sudinna đã đưa người vợ cũ của đại đức Sudinna đi đến Mahāvana gặp đại đức Sudinna, sau khi đến đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, gia đình này thì giàu sang, có nhiều của cải, nhiều tài sản, có vô số vàng bạc, vô số vật dụng, và dồi dào lúa gạo. Này Sudinna thương, con có thể quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường để thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện được mà. Này Sudinna thương, hãy quay về đi con. Hãy quay trở lại cuộc sống tại gia tầm thường, hãy thọ hưởng của cải và làm các điều phước thiện đi.”—“Mẹ à, tôi không thể nào, tôi không dám. Tôi đang thỏa thích thực hành Phạm hạnh.”

Đến lần thứ nhì, … nt … Đến lần thứ ba, mẹ của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này Sudinna thương, gia đình này thì giàu sang, có nhiều của cải, nhiều tài sản, có vô số vàng bạc, vô số vật dụng, và dồi dào lúa gạo. Này Sudinna thương, chính vì điều ấy con hãy để lại chủng tử. Chớ để các Licchavi đoạt lấy tài sản không người thừa tự của chúng ta.”

—“Mẹ à, điều này tôi có thể làm được,” rồi vị ấy đã nắm lấy cánh tay của người vợ cũ đi vào Mahāvana. Trong khi điều học chưa được quy định, vị ấy không nhận thức được điều nguy hại nên đã tiến hành việc đôi lứa với người vợ cũ ba lần. Do việc ấy, nàng ta đã mang thai.

Chư Thiên ở địa cầu đã đồn đãi lời rằng:—“Ngài ơi, hội chúng tỳ khưu quả thật không có sự ô uế, không bị điều tai họa, nay Udinna Kalandaputta đã gây nên sự ô uế, đã gây nên điều tai họa!” Sau khi nghe được tiếng đồn của chư Thiên ở địa cầu, chư Thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đã đồn đãi lời rằng: … (như trên) … chư Thiên ở cõi Đạo Lợi … (như trên) … chư Thiên ở cõi Dạ Ma … (như trên) … chư Thiên ở cõi Đẩu Suất … (như trên) … chư Thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên … (như trên) … chư Thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại … (như trên) … chư Thiên thuộc hàng Phạm Thiên đã đồn đãi lời rằng:—“Ngài ơi, hội chúng tỳ khưu quả thật không có sự ô uế, không bị điều tai họa, nay Udinna Kalandaputta đã gây nên sự ô uế, đã gây nên điều tai họa!” Vào thời khắc ấy vào giây phút ấy, lời đồn đãi như thế ấy đã đi đến các cõi trời Phạm Thiên.

Sau đó, khi bào thai ấy đã được phát triển đầy đủ, người vợ cũ của đại đức Sudinna đã sanh con trai. Khi ấy, những người bạn của đại đức Sudinna đã đặt tên cho đứa bé trai là “Chủng Tử,” đã đặt tên cho người vợ cũ của đại đức Sudinna là “Mẹ của Chủng Tử,” và đã đặt tên cho đại đức Sudinna là “Cha của Chủng Tử.” Thời gian sau, cả hai mẹ con ấy đã rời nhà xuất gia sống không nhà và đã chứng đắc phẩm vị A-la-hán.

Sau đó, đại đức Sudinna đã có sự ăn năn, đã có nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Bởi vì ta đây đã xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời!” Do chính sự ăn năn ấy và do nỗi ân hận ấy, vị ấy đã trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, tâm trở nên lãnh đạm, trì trệ, khổ sở, buồn bã, ăn năn, và có vẻ thờ thẩn.

Khi ấy, những vị tỳ khưu bạn của đại đức Sudinna đã nói với đại đức Sudinna điều này:—“Này đại đức Sudinna, trước đây đại đức có sắc tướng, các căn rạng rỡ, sắc diện an tịnh, màu da trong sáng. Hiện nay, trong lúc này đại đức đây lại trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, tâm trở nên lãnh đạm, trì trệ, khổ sở, buồn bã, ăn năn, và có vẻ thờ thẩn. Này đại đức Sudinna, không lẽ đại đức không thỏa thích thực hành Phạm hành hay sao?”

—“Này các đại đức, không phải tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh mà tôi đã tạo nên ác nghiệp, tôi đã thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ. Này các đại đức, tôi đây đã có sự ăn năn, đã có nỗi ân hận: ‘Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Bởi vì ta đây đã xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời!’”

—“Này đại đức Sudinna, đại đức có sự ăn năn là phải lẽ, có nỗi ân hận là phải lẽ. Bởi vì đại đức đã xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời.

Này đại đức, chẳng phải đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc chứ không phải để đưa đến sự ràng buộc, đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ chứ không phải để đưa đến sự chấp thủ hay sao?

Này đại đức, ở đây trong khi đức Thế Tôn thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái thì đại đức lại nghĩ đến tham ái, thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc thì đại đức lại nghĩ đến sự ràng buộc, thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ thì đại đức lại nghĩ đến sự chấp thủ.

Này đại đức, chẳng phải đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái trong các ái, để đưa đến sự không còn đam mê trong các nỗi đam mê, để kềm chế các sự khao khát, để trừ diệt các sự vướng mắc, để cắt đứt vòng tái sanh, để diệt tận ái, để ly tham, để đưa đến sự tịch diệt, để đưa đến Niết Bàn hay sao?

Này đại đức, chẳng phải đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã đề cập đến sự từ bỏ các dục, đã đề cập đến sự hiểu rõ về các dục tưởng, đã đề cập đến sự kềm chế các nỗi khao khát về dục, đã đề cập đến sự trừ diệt các dục tầm, đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao?

Này đại đức, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này đại đức, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”

Sau đó, khi đã khiển trách đại đức Sudinna bằng nhiều phương thức, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Sudinna rằng:—“Này Sudinna, nghe nói ngươi thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

—“Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi đã xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời?

Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc chứ không phải để đưa đến sự ràng buộc, đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ chứ không phải để đưa đến sự chấp thủ hay sao?

Này kẻ rồ dại, thế mà ở đây trong khi Ta thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái thì ngươi lại nghĩ đến tham ái, thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn ràng buộc thì ngươi lại nghĩ đến sự ràng buộc, thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn chấp thủ thì ngươi lại nghĩ đến sự chấp thủ.

Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng Pháp để đưa đến sự không còn tham ái trong các ái, để đưa đến sự không còn đam mê trong các nỗi đam mê, để kềm chế sự khao khát, để trừ diệt sự vướng mắc, để cắt đứt vòng tái sanh, để diệt tận ái, để ly tham, để đưa đến sự tịch diệt, để đưa đến Niết Bàn hay sao?

Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã đề cập đến sự từ bỏ các dục, đã đề cập đến sự hiểu rõ về các dục tưởng, đã đề cập đến sự kềm chế các nỗi khao khát về dục, đã đề cập đến sự trừ diệt các dục tầm, đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao?

Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con rắn có nọc độc khủng khiếp còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của người nữ là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con hắc xà còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của người nữ là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong hố than được đốt cháy có ngọn lửa sáng rực còn là điều cao thượng, chớ đặt dương vật vào trong âm vật của người nữ là không (cao thượng). Điều ấy có lý do như thế nào? Này kẻ rồ dại, bởi vì do nguyên nhân kia ngươi có thể đi đến cái chết hoặc khổ gần như chết, nhưng không vì nguyên nhân kia, khi tan rã thân xác và chết đi ngươi lại có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Này kẻ rồ dại, quả thật do nguyên nhân này, khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.

Này kẻ rồ dại, thế mà ở đây lại là ngươi, tức là việc ngươi bị vướng vào việc kết hợp của hai người, theo từng cặp, ở nơi kín đáo, là việc làm không tốt đẹp, là việc làm của các dân làng, là việc làm của những người thấp kém, là xấu xa, kết cuộc phải dùng nước tẩy rửa. Này kẻ rồ dại, đối với nhiều pháp bất thiện ngươi là người vi phạm đầu tiên, trước tất cả. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này kẻ rồ dại, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”

Sau đó, khi đã khiển trách đại đức Sudinna bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã chê bai về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức Ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức nỗ lực. Ngài đã nói Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi đã bảo các tỳ khưu rằng:

—“Này các tỳ khưu, như thế thì Ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào thực hiện việc đôi lứa là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[Sự quy định căn bản]

Dứt tụng phẩm về Sudinna.

CHUYỆN CON KHỈ CÁI:

Vào lúc bấy giờ, tại Mahāvana ở Vesālī, có vị tỳ khưu nọ dùng thức ăn dụ dỗ con khỉ cái rồi thực hiện việc đôi lứa với nó. Khi ấy vào buổi sáng, vị tỳ khưu ấy đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Vesālī để khất thực.

Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu trong lúc đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy. Con khỉ cái ấy đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã lúc lắc hông ở phía trước các vị tỳ khưu ấy, đã lúc lắc đuôi, đã đưa hông ra, và đã làm dấu hiệu. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, vị tỳ khưu ấy thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái này!” rồi đã nấp vào ở một bên. Sau đó, vị tỳ khưu ấy sau khi đi khất thực ở trong thành Vesālī đã mang đồ ăn khất thực quay trở về.

Khi ấy, con khỉ cái ấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy. Rồi vị tỳ khưu ấy, sau khi thọ dụng đồ khất thực ấy một phần, đã cho con khỉ cái ấy một phần. Sau đó, khi đã ăn xong con khỉ cái ấy đã đưa hông ra cho vị tỳ khưu ấy. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái ấy.

Rồi các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:—“Này đại đức, chẳng phải điều học đã được đức Thế Tôn quy định hay sao? Này đại đức, tại sao đại đức lại thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái?”—“Này các đại đức, đúng vậy. Điều học đã được đức Thế Tôn quy định và điều ấy là với người nữ chứ không phải với thú cái.”—“Này đại đức, chẳng phải điều ấy là đúng như thế hay sao? Này đại đức, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này đại đức, tại sao đại đức sau khi xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời? Này đại đức, chẳng phải đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, … (như trên) … đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao? Này đại đức, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này đại đức, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau đó, khi đã khiển trách vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi vị tỳ khưu ấy rằng:“Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đã thực hiện việc đôi lứa với con khỉ cái, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

—“Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi sau khi xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời? Này kẻ rồ dại, không phải Ta bằng nhiều phương thức đã thuyết giảng pháp để đưa đến sự không còn tham ái chứ không phải để đưa đến tham ái, … (như trên) … đã đề cập đến sự lắng dịu của các nỗi thôi thúc do dục vọng hay sao?

Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con rắn có nọc độc khủng khiếp còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong miệng của con hắc xà còn là điều cao thượng, nhưng đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Này kẻ rồ dại, thà ngươi đặt dương vật vào trong hố than được đốt cháy có ngọn lửa sáng rực còn là điều cao thượng, chớ đặt dương vật vào trong âm vật của con khỉ cái là không (cao thượng). Điều ấy có lý do như thế nào? Này kẻ rồ dại, bởi vì do nguyên nhân kia ngươi có thể đi đến cái chết hoặc khổ gần như chết, nhưng không vì nguyên nhân kia, khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi lại có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Này kẻ rồ dại, quả thật do nguyên nhân này, khi tan rã thân xác và chết đi, ngươi có thể bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục.

Này kẻ rồ dại, thế mà ở đây lại là ngươi, tức là việc ngươi bị vướng vào việc kết hợp của hai người, theo từng cặp, ở nơi kín đáo, là việc làm không tốt đẹp, là việc làm của các dân làng, là việc làm của những người thấp kém, là xấu xa, kết cuộc phải dùng nước tẩy rửa. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này đại đức, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”

Sau đó, khi đã khiển trách vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã chê bai về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức Ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức nỗ lực. Ngài đã nói Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi đã bảo các tỳ khưu rằng:

“Này các tỳ khưu, như thế thì Ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào thực hiện việc đôi lứa ngay cả với loài thú cái là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[Sự quy định lần hai]

Dứt chuyện con khỉ cái.

TỤNG PHẨM—ĐƯỢC CHE PHỦ:

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu nhóm Vajjiputtaka trú xứ Vesālī đã thọ thực theo ý thích, ngủ theo ý thích, tắm theo ý thích. Sau khi đã thọ thực theo ý thích, sau khi đã ngủ theo ý thích, sau khi đã tắm theo ý thích, sau khi đã tác ý không chơn chánh, các vị ấy đã thực hiện việc đôi lứa khi chưa lìa bỏ sự học tập và chưa bày tỏ lòng yếu nhược.

Thời gian sau đó, các vị ấy bị tác động bởi sự bất hạnh của quyến thuộc, bởi sự bất hạnh về tài sản, bởi sự bất hạnh về bệnh hoạn nên đã đi đến gặp đại đức Ānanda và nói như vầy:—“Thưa ngài Ānanda, chúng tôi không phải là những người chê bai đức Phật, không phải là những người chê bai Giáo Pháp, không phải là những người chê bai Hội Chúng. Thưa ngài Ānanda, chúng tôi là những người chê bai chính mình, là những người không chê bai kẻ khác. Chính chúng tôi không có may mắn, chúng tôi có phước báu ít ỏi, chúng tôi đây sau khi xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy lại không thể thực hành Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn đến cuối cuộc đời. Thưa ngài Ānanda, nếu như giờ đây chúng tôi có thể đạt được sự xuất gia trong sự chứng minh của đức Phật, có thể đạt được sự tu lên bậc trên, thì giờ đây chúng tôi cũng có thể là những người hành Minh Sát, có thể sống gắn bó với sự tu tập về các thiện pháp tức là các pháp có liên quan đến sự giác ngộ vào đầu đêm và cuối đêm. Thưa ngài Ānanda, lành thay xin ngài hãy trình sự việc này lên đức Thế Tôn.”—“Này các đại đức, được rồi.” Nghe theo các vị nhóm Vajjiputtaka trú xứ Vesālī, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

—“Này Ānanda, việc Như Lai có thể hủy bỏ điều học pārājika đã được quy định cho các đệ tử vì lý do của các vị Vajjī hoặc của những người con trai của các vị Vajjī là điều không có cơ sở và không hợp lý.” Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:—“Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào khi chưa lìa bỏ sự học tập và chưa bày tỏ lòng yếu nhược mà thực hiện việc đôi lứa thì vị ấy không được tu lên bậc trên trong tương lai. Và này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sau khi lìa bỏ sự học tập và sau khi tuyên bố sự yếu nhược rồi thực hiện việc đôi lứa thì vị ấy có thể được tu lên bậc trên trong tương lai. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào thọ trì sự học tập và lối sống của các tỳ khưu, khi chưa lìa bỏ sự học tập và chưa bày tỏ lòng yếu nhược, mà thực hiện việc đôi lứa ngay cả với loài thú cái là vị phạm tội pārājika, không được cộng trú.”

[Sự quy định lần ba]

Vị nào: là bất cứ vị nào có mối quan hệ như vầy, có giai cấp như vầy, có tên như vầy, có họ như vầy, có giới hạnh như vầy, có trú xứ như vầy, có nơi đi lại như vầy, là vị trưởng lão (trên 10 năm tỳ khưu), hoặc là vị mới tu (dưới 5 năm), hoặc là vị trung niên (trên 5 năm); vị ấy được gọi là ‘vị nào.’

Tỳ khưu: ‘Vị đi khất thực’ là tỳ khưu. ‘Vị chấp nhận việc đi khất thực’ là tỳ khưu. ‘Vị mặc y đã được cắt rời’ là tỳ khưu. Là tỳ khưu do sự thừa nhận. Là tỳ khưu do tự mình xác nhận. Là tỳ khưu khi được (đức Phật) nói rằng: ‘Này tỳ khưu, hãy đi đến.’ ‘Vị đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy’ là tỳ khưu. ‘Vị hiền thiện’ là tỳ khưu. ‘Vị có thực chất’ là tỳ khưu. ‘Vị Thánh hữu học’ là tỳ khưu. ‘Vị Thánh vô học’ là tỳ khưu. ‘Vị đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì’ là tỳ khưu. Ở đây, vị tỳ khưu đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất, bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì, vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Sự học tập: Có ba sự học tập: sự học tập về tăng thượng giới, sự học tập về tăng thượng tâm, sự học tập về tăng thượng tuệ. Ở đây, ‘sự học tập’ được đề cập trong ý nghĩa này là sự học tập về tăng thượng giới.

Lối sống: nghĩa là điều học nào đã được đức Thế Tôn quy định, điều học ấy gọi là lối sống. Vì thế, vị học tập theo lối sống ấy được gọi là ‘thọ trì lối sống.’

Khi chưa lìa bỏ sự học tập và chưa bày tỏ lòng yếu nhược: Này các tỳ khưu, có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ. Này các tỳ khưu, có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ.

Này các tỳ khưu, thế nào là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ? Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ, mong mỏi thân phận cư sĩ, mong mỏi thân phận người phụ việc chùa, mong mỏi thân phận sa di, mong mỏi thân phận ngoại đạo, mong mỏi thân phận đệ tử ngoại đạo, mong mỏi thân phận không phải là Sa-môn, mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ đức Phật?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ Giáo Pháp?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ Hội Chúng?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ sự học tập?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ Luật?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ giới bổn Pātimokkha?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ việc đọc tụng?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ thầy tế độ?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ thầy dạy học?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ đệ tử?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ học trò?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ vị có chung thầy tế độ?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ vị có chung thầy dạy học?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên lìa bỏ vị đồng Phạm hạnh?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành gia chủ?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành nam cư sĩ?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành người phụ việc chùa?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành sa di?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành ngoại đạo?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành đệ tử ngoại đạo?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành không phải là Sa-môn?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hay là tôi nên trở thành không phải là Thích tử?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Nếu như tôi có thể lìa bỏ đức Phật?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Nếu như tôi có thể không phải là Thích tử?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Giờ tôi nên lìa bỏ đức Phật?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Giờ tôi nên không phải là Thích tử?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Vậy tôi hãy nên lìa bỏ đức Phật?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Vậy tôi hãy nên không phải là Thích tử?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Ước gì tôi có thể lìa bỏ đức Phật?’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Ước gì tôi có thể không phải là Thích tử?’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ mẹ.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ cha.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ anh (em) trai.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ chị (em) gái.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ con trai.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ con gái.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ vợ.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ quyến thuộc.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ bạn bè.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ làng quê.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ phố phường.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ ruộng.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ vườn.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ tiền vàng.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ vàng khối.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi nhớ nghề nghiệp.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi hồi tưởng lại sự cười, nói, đùa giỡn trước đây.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có mẹ. Người ấy có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có cha. Người ấy có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có anh (em) trai. Người ấy có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có chị (em) gái. Người ấy có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có con trai. Nó có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có con gái. Nó có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có vợ. Cô ấy có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có quyến thuộc. Họ có thể nuôi tôi.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có bạn bè. Họ có thể nuôi tôi.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … nt … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có mẹ. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có cha. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có anh (em) trai. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có chị (em) gái. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có con trai. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có con gái. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có vợ. Người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có quyến thuộc. Các người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có bạn bè. Các người ấy sẽ nuôi tôi.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có làng quê. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có phố phường. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có ruộng. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có vườn. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có tiền vàng. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có vàng khối. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi có nghề nghiệp. Tôi sẽ sống nhờ nó.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … nt … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Việc khó làm!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Không phải việc dễ làm!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Việc khó thực hành!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Không phải việc dễ thực hành!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không nỗ lực!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không chịu đựng nổi!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không sung sướng!’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không thỏa thích!’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược mà sự học tập chưa được lìa bỏ.

Này các tỳ khưu, thế nào là có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ? Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ đức Phật.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ Giáo Pháp.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ Hội Chúng.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ sự học tập.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ Luật.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ giới bổn Pātimokkha.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ việc đọc tụng.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ thầy tế độ.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ thầy dạy học.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ đệ tử.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ học trò.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ vị có chung thầy tế độ.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ vị có chung thầy dạy học.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi lìa bỏ vị đồng Phạm hạnh.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là gia chủ.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là cư sĩ.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là người phụ việc chùa.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là sa di.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là ngoại đạo.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi là đệ tử ngoại đạo.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi không phải là Sa-môn.’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Hãy ghi nhận tôi không phải là Thích tử.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là (vị tỳ khưu) bị bực bội, không thỏa thích, có ý định giã từ hạnh Sa-môn, trong khi bị bồn chồn, bị hổ thẹn, chán ghét thân phận tỳ khưu, mong mỏi thân phận gia chủ … (như trên) … mong mỏi thân phận không phải là Thích tử rồi nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi đã chán đức Phật.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi đã chán vị đồng Phạm hạnh.’ Này các tỳ khưu, như thế là … (như trên) … và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi còn liên quan gì với đức Phật?’ … nt … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi còn liên quan gì với vị đồng Phạm hạnh?’ Này các tỳ khưu, như thế là … nt … và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không cần đến đức Phật.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi không cần đến vị đồng Phạm hạnh.’ Này các tỳ khưu, như thế là … (như trên) … và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi đã hoàn toàn lìa khỏi đức Phật.’ … (như trên) … nói ra, tuyên bố rằng: ‘Tôi đã hoàn toàn lìa khỏi vị đồng Phạm hạnh.’ Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ.

Hoặc là, còn có những điều khác ám chỉ đức Phật, hoặc ám chỉ Giáo Pháp, hoặc ám chỉ Hội Chúng, hoặc ám chỉ sự học tập, hoặc ám chỉ Luật, hoặc ám chỉ giới bổn Pātimokkha, hoặc ám chỉ việc đọc tụng, hoặc ám chỉ thầy tế độ, hoặc ám chỉ thầy dạy học, hoặc ám chỉ người đệ tử, hoặc ám chỉ người học trò, hoặc ám chỉ vị có chung thầy tế độ, hoặc ám chỉ vị có chung thầy dạy học, hoặc ám chỉ vị đồng Phạm hạnh, hoặc ám chỉ gia chủ, hoặc ám chỉ nam cư sĩ, hoặc ám chỉ người phụ việc chùa, hoặc ám chỉ sa di, hoặc ám chỉ ngoại đạo, hoặc ám chỉ đệ tử ngoại đạo, hoặc ám chỉ việc không phải là Sa-môn, hoặc ám chỉ việc không phải là Thích tử, và vị nói ra, tuyên bố với những hình thức ấy, với những biểu hiện ấy, với những dấu hiệu ấy. Này các tỳ khưu, như thế là có sự bày tỏ lòng yếu nhược và sự học tập được lìa bỏ.

Này các tỳ khưu, thế nào là sự học tập chưa được lìa bỏ? Này các tỳ khưu, ở đây sự học tập được lìa bỏ với những hình thức, với những biểu hiện, với những dấu hiệu mà vị bị điên lìa bỏ sự học tập với những hình thức ấy, với những biểu hiện ấy, với những dấu hiệu ấy thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học trong sự chứng minh của vị bị điên thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị có tâm bị rối loạn lìa bỏ sự học tập thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học trong sự chứng minh của vị có tâm bị rối loạn thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị bị thọ khổ hành hạ lìa bỏ sự học tập thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học trong sự chứng minh của vị bị thọ khổ hành hạ thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học trong sự chứng minh của Thiên nhân thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học trong sự chứng minh của loài thú thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học theo ngôn ngữ quý phái trong sự chứng minh của người bình dân và nếu người ấy không hiểu thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học theo ngôn ngữ bình dân trong sự chứng minh của người quý phái và nếu người ấy không hiểu thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học theo ngôn ngữ quý phái trong sự chứng minh của người quý phái nhưng nếu người ấy không hiểu thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học theo ngôn ngữ bình dân trong sự chứng minh của người bình dân nhưng nếu người ấy không hiểu thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học theo lối đùa cợt thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị lìa bỏ điều học do bị lỡ lời thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị ấy nói ra nhưng có ý định không cho nghe thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị ấy có ý định cho nghe nhưng nói ra không nghe được thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị ấy nói với kẻ không hiểu biết thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Vị ấy không nói ra cho nghe đến người hiểu biết thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Hoặc vị ấy không nói ra đầy đủ thì sự học tập vẫn chưa được lìa bỏ. Này các tỳ khưu, như thế là sự học tập chưa được lìa bỏ.

Việc đôi lứa nghĩa là việc nào là việc kết hợp của hai người, theo từng cặp, ở nơi kín đáo, là việc làm không tốt đẹp, là việc làm của các dân làng, là việc làm của những người thấp kém, là xấu xa, kết cuộc phải dùng nước tẩy rửa; việc ấy gọi là việc đôi lứa.

Thực hiện nghĩa là vị nào đưa vật biểu tượng vào vật biểu tượng, đưa dương vật vào âm vật cho dầu chỉ (đưa vào) khoảng cách bằng hạt mè, vị ấy được gọi là thực hiện.

Ngay cả với loài thú cái: Sau khi thực hiện việc đôi lứa với giống cái của loài thú thì không còn là Sa-môn, không còn là Thích tử nữa, chứ không phải chỉ với người nữ; vì thế được gọi là ‘ngay cả với loài thú cái.’

Là vị phạm tội pārājika: cũng giống như người đàn ông bị chặt đứt đầu không thể sống bám víu vào thân thể ấy, tương tợ như thế vị tỳ khưu sau khi thực hiện việc đôi lứa thì không còn là Sa-môn, không còn là Thích tử; vì thế được gọi ‘là vị phạm tội pārājika.’

Không được cộng trú: cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là cộng trú. Vị ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là ‘không được cộng trú.’

Nữ tánh có ba loại: người nữ, phi nhân nữ, thú cái. Lưỡng căn có ba loại: người lưỡng căn, phi nhân lưỡng căn, thú lưỡng căn. Vô căn có ba loại: người vô căn, phi nhân vô căn, thú vô căn. Nam tánh có ba loại: người nam, phi nhân nam, thú đực.

Vị thực hiện việc đôi lứa với người nữ theo ba đường: ở đường đại tiện, ở đường tiểu tiện, ở miệng thì phạm tội pārājika. Vị thực hiện việc đôi lứa với phi nhân nữ … (như trên) … với thú cái theo ba đường: ở đường đại tiện, ở đường tiểu tiện, ở miệng thì phạm tội pārājika. Vị thực hiện việc đôi lứa với người lưỡng căn … (như trên) … với phi nhân lưỡng căn … (như trên) … với thú lưỡng căn theo ba đường: ở đường đại tiện, ở đường tiểu tiện, ở miệng thì phạm tội pārājika.

Vị thực hiện việc đôi lứa với người vô căn theo hai đường: ở đường đại tiện, ở miệng thì phạm tội pārājika. Vị thực hiện việc đôi lứa với phi nhân vô căn … (như trên) … với thú vô căn … (như trên) … với người nam … (như trên) … với phi nhân nam … (như trên) … với thú đực theo hai đường: ở đường đại tiện, ở miệng thì phạm tội pārājika.

Vị tỳ khưu nghĩ đến việc giao hợp rồi đưa dương vật vào đường đại tiện của người nữ thì phạm tội pārājika. Vị tỳ khưu nghĩ đến việc giao hợp rồi đưa dương vật vào đường tiểu tiện … (như trên) … vào miệng của người nữ thì phạm tội pārājika. Vị tỳ khưu nghĩ đến việc giao hợp rồi đưa dương vật vào đường đại tiện … (như trên) … vào đường tiểu tiện … (như trên) … vào miệng của phi nhân nữ … (như trên) … của thú cái … (như trên) … của người lưỡng căn … (như trên) … của phi nhân lưỡng căn … (như trên) … của thú lưỡng căn thì phạm tội pārājika.

Vị tỳ khưu nghĩ đến việc giao hợp rồi đưa dương vật vào đường đại tiện … (như trên) … vào miệng của người vô căn thì phạm tội pārājika. Vị tỳ khưu nghĩ đến việc giao hợp rồi đưa dương vật vào đường đại tiện … (như trên) … vào miệng của phi nhân vô căn … (như trên) … của thú vô căn … (như trên) … của người nam … (như trên) … của phi nhân nam … (như trên) … của thú đực … (như trên) … thì phạm tội pārājika.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện (của cô ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện (của cô ấy). Nếu vị ấy không ưng thuận việc đưa vào, (nhưng) ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện (của cô ấy). Nếu vị ấy không ưng thuận việc đưa vào, không ưng thuận khi được đẩy vào, (nhưng) ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện (của cô ấy). Nếu vị ấy không ưng thuận việc đưa vào, không ưng thuận khi được đẩy vào, không ưng thuận khi dừng lại, (nhưng) ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện (của cô ấy). Nếu vị ấy không ưng thuận việc đưa vào, không ưng thuận khi được đẩy vào, không ưng thuận khi dừng lại, không ưng thuận việc rút ra thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường tiểu tiện … (như trên) … với miệng (của cô ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … (như trên) … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … (như trên) … Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của cô ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem phi nhân nữ … nt … thú cái … nt … người lưỡng căn … nt … phi nhân lưỡng căn … nt … thú lưỡng căn lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú lưỡng căn đang tỉnh táo … (như trên) … đang ngủ … (như trên) … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … (như trên) … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … (như trên) … Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú lưỡng căn đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người vô căn … (như trên) … phi nhân vô căn … (như trên) … thú vô căn lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú vô căn đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần Nếu vị ấy ưng thuận … nt … thì phạm tội pārājika. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú vô căn đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nam … nt … phi nhân nam … nt … thú đực lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm pārājika. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú nam đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … nt … Nếu vị ấy ưng thuận … nt … thì phạm tội pārājika. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú nam đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với miệng (của đối tượng). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … nt … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của cô ấy), của cô ấy được che phủ và của vị ấy không được che phủ … nt … của cô ấy không được che phủ và của vị ấy được che phủ … nt … của cô ấy được che phủ và của vị ấy được che phủ … nt … của cô ấy không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ đang tỉnh táo ... đang ngủ ... đang say sưa ... bị điên ... đang đờ đẫn ... đã chết chưa bị (thú) ăn ... đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần ... Nếu vị ấy ưng thuận … nt … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người nữ … nt … phi nhân nữ … nt … thú cái đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của đối tượng), của đối tượng được che phủ và của vị ấy không được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người lưỡng căn … nt … phi nhân lưỡng căn … nt … thú lưỡng căn lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với đường tiểu tiện … nt … với miệng (của đối tượng), của đối tượng được che phủ và của vị ấy không được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú lưỡng căn đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … (như trên) … thì phạm tội pārājika.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú lưỡng căn đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện ... với đường tiểu tiện ... với miệng (của đối tượng), của đối tượng được che phủ và của vị ấy không được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người vô căn ... phi nhân vô căn ... thú vô căn ... người nam ... phi nhân nam ... thú đực lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện ... với miệng (của đối tượng), của đối tượng được che phủ và của vị ấy không được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem người vô căn … nt … thú đực đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … nt … Nếu vị ấy ưng thuận … nt … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem thú đực đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần lại gần vị tỳ khưu rồi kết hợp dương vật (vị ấy) với đường đại tiện … nt … với miệng (của đối tượng), của đối tượng được che phủ và của vị ấy không được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng được che phủ và của vị ấy được che phủ ... của đối tượng không được che phủ và của vị ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ rồi kết hợp đường đại tiện … nt … đường tiểu tiện … nt … miệng (của cô ấy) với dương vật (vị ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ đang tỉnh táo ... đang ngủ ... đang say sưa ... bị điên ... đang đờ đẫn ... đã chết chưa bị (thú) ăn ... đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần ... Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần rồi kết hợp đường đại tiện ... đường tiểu tiện ... miệng (của cô ấy) với dương vật (vị ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần phi nhân nữ ... thú cái ... người lưỡng căn ... phi nhân lưỡng căn ... thú lưỡng căn ... người vô căn ... phi nhân vô căn ... thú vô căn ... người nam ... phi nhân nam ... thú đực rồi kết hợp đường đại tiện … nt … miệng (của đối tượng) với dương vật (vị ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần thú đực đang tỉnh táo … nt … đang ngủ … nt … đang say sưa … nt … bị điên … nt … đang đờ đẫn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn … nt … đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần … nt … Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần thú đực đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần rồi kết hợp đường đại tiện … nt … miệng (của đối tượng) với dương vật (vị ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ rồi kết hợp đường đại tiện ... đường tiểu tiện ... miệng (của cô ấy) với dương vật (vị ấy), của vị ấy được che phủ và của cô ấy không được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của cô ấy được che phủ ... của vị ấy được che phủ và của cô ấy được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của cô ấy không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ đang tỉnh táo ... đang ngủ ... đang say sưa ... bị điên ... đang đờ đẫn ... đã chết chưa bị (thú) ăn ... đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần ... Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần người nữ đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần rồi kết hợp đường đại tiện ... đường tiểu tiện ... miệng (của cô ấy) với dương vật (vị ấy). Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần phi nhân nữ ... thú cái ... người lưỡng căn ... phi nhân lưỡng căn ... thú lưỡng căn rồi kết hợp đường đại tiện ... đường tiểu tiện ... miệng (của đối tượng) ... lại gần người vô căn ... phi nhân vô căn ... thú vô căn ... người nam ... phi nhân nam ... thú đực rồi kết hợp đường đại tiện ... miệng (của đối tượng) với dương vật (vị ấy), của vị ấy được che phủ và của đối tượng không được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của đối tượng được che phủ ... của vị ấy được che phủ và của đối tượng được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của đối tượng không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần thú đực đang tỉnh táo ... đang ngủ ... đang say sưa ...bị điên ... đang đờ đẫn ... đã chết chưa bị (thú) ăn ... đã chết chưa bị (thú) ăn nhiều phần ... Nếu vị ấy ưng thuận … (như trên) … thì phạm tội pārājika. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các tỳ khưu đối nghịch đem vị tỳ khưu lại gần đã chết đã bị (thú) ăn nhiều phần rồi kết hợp đường đại tiện ... miệng (của đối tượng) với dương vật (vị ấy), của vị ấy được che phủ và của đối tượng không được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của đối tượng được che phủ ... của vị ấy được che phủ và của đối tượng được che phủ ... của vị ấy không được che phủ và của đối tượng không được che phủ. Nếu vị ấy ưng thuận việc đưa vào, ưng thuận khi được đẩy vào, ưng thuận khi dừng lại, ưng thuận việc rút ra thì phạm tội thullaccaya. … (như trên) … không ưng thuận thì vô tội.

Các vị vua đối nghịch ... Các kẻ trộm cướp đối nghịch ... Các kẻ vô lại đối nghịch ... Các kẻ thảo khấu đối nghịch ... thì phạm tội ... thì vô tội (nên phân tích tương tợ như ở các phần liên quan đến ‘các tỳ khưu đối nghịch’).

[Phần ‘Được Che Phủ’ đã được giảng xong].

Đưa vào đường khiếu theo đường khiếu thì phạm tội pārājika. Đưa vào nơi không phải là đường khiếu theo đường khiếu thì phạm tội pārājika. Đưa vào đường khiếu không theo đường khiếu thì phạm tội pārājika. Đưa vào nơi không phải là đường khiếu không theo đường khiếu thì phạm tội thullaccaya.

Vị tỳ khưu vi phạm giới với vị tỳ khưu đang ngủ. Vị kia thức giấc lại ưng thuận; cả hai nên bị trục xuất. Vị kia thức giấc không ưng thuận, kẻ làm bậy nên bị trục xuất.

Vị tỳ khưu vi phạm giới với vị sa di đang ngủ. Vị sa di thức giấc lại ưng thuận; cả hai nên bị trục xuất. Vị sa di thức giấc không ưng thuận, kẻ làm bậy nên bị trục xuất.

Vị sa di vi phạm giới với vị tỳ khưu đang ngủ. Vị tỳ khưu thức giấc lại ưng thuận; cả hai nên bị trục xuất. Vị tỳ khưu thức giấc không ưng thuận, kẻ làm bậy nên bị trục xuất.

Vị sa di vi phạm giới với vị sa di đang ngủ. Vị kia thức giấc lại ưng thuận; cả hai nên bị trục xuất. Vị kia thức giấc không ưng thuận, kẻ làm bậy nên bị trục xuất.

Vị không biết, vị không ưng thuận, vị bị điên, vị có tâm bị rối loạn, vị bị thọ khổ hành hạ, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt tụng phẩm “Được Che Phủ.”

CHUYỆN DẪN GIẢI:

Con khỉ cái, và các vị Vajjī, có (hình tướng) gia chủ, lõa thể, và ngoại đạo, đứa bé gái, vị ni Uppalavaṇṇā, hai trường hợp chuyển tánh kỳ lạ.

Người mẹ, con gái, chị (em) gái, người vợ, lưng dẻo, dương vật dài, hai trường hợp vết loét, tranh vẽ, và tượng gỗ.

Với năm chuyện Sundara, năm ở bãi tha ma, khúc xương, rồng cái, Dạ-xoa nữ, ma nữ, người vô căn, liệt cảm giác, khi đụng,

Chuyện vị A-la-hán ngủ ở Bhaddiya, bốn chuyện Sāvatthī, Vesāli ba chuyện, vòng hoa, vị ngủ mơ, ở Bhārukaccha,

Supabbā, Saddhā, vị tỳ khưu ni, vị ni tu tập sự, vị sa di ni, gái điếm, người vô căn, nữ gia chủ, lẫn nhau, vị lớn tuổi xuất gia, con nai.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã thực hiện điều đôi lứa với con khỉ cái. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: “Điều học đã được đức Thế Tôn quy định; phải chăng ta đã phạm tội pārājika?” Rồi đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (1)

Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu Vajjiputtaka cư trú ở Vesālī đã thực hiện việc đôi lứa khi chưa lìa bỏ sự học tập và chưa bày tỏ lòng yếu nhược. Các vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: “Điều học đã được đức Thế Tôn quy định; phải chăng chúng ta đã phạm tội pārājika?” Rồi đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, các ngươi đã phạm tội pārājika.” (2)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội” rồi đã thực hiện việc đôi lứa với hình tướng gia chủ. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (3)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội,” sau khi trở nên trần truồng rồi đã thực hiện việc đôi lứa. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (4)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội,” sau khi mặc vải sợi cỏ … nt … sau khi mặc vỏ cây … nt … sau khi mặc gỗ lát mỏng … nt … sau khi mặc tấm mền bằng tóc … nt … sau khi mặc cánh chim cú … nt … sau khi mặc da sơn dương rồi đã thực hiện việc đôi lứa. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (5–11)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đi khất thực. Khi thấy một đứa bé gái nằm trên ghế, vị ấy đã khởi dục vọng rồi đưa ngón tay cái vào âm vật (của đứa bé gái). Đứa bé gái đã chết. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika. Ngươi phạm tội saṅghādisesa.” (12)

Vào lúc bấy giờ, có người thanh niên Bā-la-môn nọ đem lòng say đắm tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā. Khi ấy, lúc tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã đi vào làng để khất thực, thanh niên Bā-la-môn ấy đã đi vào liêu cốc nấp kín rồi chờ đợi. Khi đi khất thực trở về sau bữa ăn, tỳ khưu ni Uppala-vaṇṇā đã rửa chân rồi đi vào liêu cốc và ngồi xuống ở trên giường. Khi ấy, người thanh niên Bā-la-môn ấy đã nhấc bổng tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā lên và làm điều tồi bại. Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, vị ni không ưng thuận thì vô tội.” (13)

Vào lúc bấy giờ, tướng trạng người nữ đã xuất hiện ở vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, Ta cho phép chuyển sang (sinh hoạt) với các tỳ khưu ni (và vẫn giữ nguyên) thầy tế độ ấy, sự tu lên bậc trên ấy, các năm (thâm niên) ấy. Những tội nào của các tỳ khưu có liên quan đến các tỳ khưu ni, các tội ấy được làm cho hết tội trong sự chứng minh của các tỳ khưu ni. Những tội nào của các tỳ khưu không có liên quan đến các tỳ khưu ni thì được vô tội với các tội ấy.” (14)

Vào lúc bấy giờ, tướng trạng người nam đã xuất hiện ở vị tỳ khưu ni nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, Ta cho phép chuyển sang (sinh hoạt) với các tỳ khưu (và vẫn giữ nguyên) thầy tế độ ấy, sự tu lên bậc trên ấy, các năm (thâm niên) ấy. Những tội nào của các tỳ khưu ni có liên quan đến các tỳ khưu, các tội ấy được làm cho hết tội trong sự chứng minh của các tỳ khưu. Những tội nào của các tỳ khưu ni không có liên quan đến các tỳ khưu thì được vô tội với các tội ấy.” (15)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội” rồi đã thực hiện việc đôi lứa với người mẹ. … (như trên) … rồi đã thực hiện việc đôi lứa với con gái. … (như trên) … rồi đã thực hiện việc đôi lứa với chị (em) gái. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc, rồi đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … nt … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (16–18)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (19)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là người có lưng dẻo. Vị ấy bị bực bội bởi sự không thỏa thích nên đã dùng miệng ngậm lấy dương vật của mình. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (20)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là người có dương vật dài. Vị ấy bị bực bội bởi sự không thỏa thích nên đã đưa dương vật của mình vào đường đại tiện của mình. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (21)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã nhìn thấy thây người chết. Và trên thi thể ấy, có vết loét ở bên cạnh bộ phận sinh dục. Vị ấy (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội” rồi đã đưa dương vật vào bộ phận sinh dục rồi rút ra bằng chỗ vết loét. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (22)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã nhìn thấy thây người chết. Và trên thi thể ấy, có vết loét ở bên cạnh bộ phận sinh dục. Vị ấy (nghĩ rằng): “Như thế này thì ta sẽ không phạm tội” rồi đã đưa dương vật vào vết loét rồi rút ra từ bộ phận sinh dục. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (23)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục nên đã dùng dương vật (của mình) sờ vào vật biểu tượng ở tranh vẽ. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (24)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị khởi dục nên đã dùng dương vật (của mình) sờ vào chỗ kín ở tượng gỗ. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (25)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu tên Sundara đã được xuất gia ở thành Rājagaha và (đang) đi trên đường. Có người nữ nọ [sau khi nhìn thấy vị ấy đã nói điều này]:—“Thưa ngài, xin chờ chốc lát, tôi sẽ đảnh lễ.” Trong khi đảnh lễ, người nữ ấy đã vén y nội lên rồi dùng miệng ngậm lấy dương vật (vị ấy). Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, có phải ngươi đã ưng thuận?”—“Bạch Thế Tôn, con đã không ưng thuận.”—“Này tỳ khưu, vị không ưng thuận thì vô tội.” (26)

Vào lúc bấy giờ, có người nữ nọ sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.”—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.”—“Thưa ngài, hãy đến. Tôi sẽ ra sức, ngài đừng ra sức; như thế ngài sẽ không phạm tội.” Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (27)

Vào lúc bấy giờ, có người nữ nọ sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.”—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.”—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy ra sức, tôi sẽ không ra sức; như thế ngài sẽ không phạm tội.” Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (28)

Vào lúc bấy giờ, có người nữ nọ sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.”—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.”—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở bên trong rồi cho xuất tinh ra ở bên ngoài. … (như trên) … “Ngài hãy cọ xát ở bên ngoài rồi cho xuất tinh ra ở bên trong; như thế ngài sẽ không phạm tội.” Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (29–30)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến bãi tha ma đã nhìn thấy thi thể chưa bị (thú) ăn và đã thực hiện việc đôi lứa ở thi thể ấy. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (31)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến bãi tha ma đã nhìn thấy thi thể chưa bị (thú) ăn nhiều phần và đã thực hiện việc đôi lứa ở thi thể ấy. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (32)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến bãi tha ma đã nhìn thấy thi thể đã bị (thú) ăn nhiều phần và đã thực hiện việc đôi lứa ở thi thể ấy. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội thullaccaya.” (33)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến bãi tha ma đã nhìn thấy cái đầu bị đứt lìa rồi đã đưa dương vật vào vào cái miệng đã được banh ra và có va chạm. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (34)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi đi đến bãi tha ma đã nhìn thấy cái đầu bị đứt lìa rồi đã đưa dương vật vào cái miệng đã được banh ra và không va chạm. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (35)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đem lòng say đắm người nữ nọ. Nàng ấy đã từ trần và bị quăng bỏ ở mộ địa. Các khúc xương đã bị phân tán rải rác. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã đi vào bãi tha ma rồi thâu nhặt các khúc xương lại và đã đặt dương vật vào chỗ kín. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội dukkaṭa.” (36)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã thực hiện việc đôi lứa với rồng cái. … nt … đã thực hiện việc đôi lứa với Dạ-xoa nữ. … nt … đã thực hiện việc đôi lứa với ma nữ. … nt … đã thực hiện việc đôi lứa với người vô căn. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (37–40)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị liệt cảm giác. Vị ấy (nghĩ rằng): “Ta đây không cảm giác được lạc hay khổ, như thế ta sẽ không phạm tội” rồi đã thực hiện việc đôi lứa. … (như trên) … Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, kẻ rồ dại ấy đã phạm tội pārājika dầu đã cảm giác hay đã không cảm giác.” (41)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ (nghĩ rằng): “Ta sẽ thực hiện việc đôi lứa với người nữ” nhưng chỉ mới chạm vào vị ấy đã hối hận. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội saṅghādisesa.” (42)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ nằm nghỉ ngơi vào ban ngày trong khu rừng Jātiyā ở thành Bhaddiya. Các phần cơ thể của vị ấy đã bị cương lên bởi gió. Có người nữ nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy), đến khi đạt được mục đích đã bỏ đi. Các vị tỳ khưu nhìn thấy (vị ấy) bị nhầy nhụa nên đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.—“Này các tỳ khưu, dương vật trở nên thích ứng do năm lý do: do ái dục, do phân, do nước tiểu, do gió, do bị cắn bởi sâu bọ. Này các tỳ khưu, đây là năm lý do làm cho dương vật trở nên thích ứng. Này các tỳ khưu, dương vật của vị tỳ khưu ấy trở nên thích ứng do ái dục là điều không có cơ sở và không hợp lý. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy là vị A-la-hán. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy không phạm tội.” (43)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ nằm nghỉ ngơi vào ban ngày trong khu rừng Andha ở thành Sāvatthī. Có cô chăn bò nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy). Vị tỳ khưu ấy đã ưng thuận việc đưa vào, đã ưng thuận khi được đẩy vào, đã ưng thuận khi dừng lại, đã ưng thuận việc rút ra. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (44)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ nằm nghỉ ngơi vào ban ngày trong khu rừng Andha ở thành Sāvatthī. Có cô chăn dê nọ nhìn thấy … (như trên) … Có cô đi mót củi nọ nhìn thấy … (như trên) … Có cô đi nhặt phân bò nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy). Vị tỳ khưu ấy đã ưng thuận việc đưa vào, đã ưng thuận khi được đẩy vào, đã ưng thuận khi dừng lại, đã ưng thuận việc rút ra. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (45–47)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ nằm nghỉ ngơi vào ban ngày ở Mahāvana trong thành Vesālī. Có người nữ nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên dương vật (vị ấy), sau khi đạt được mục đích đã đứng cạnh bên rồi cười. Vị tỳ khưu ấy thức giấc đã nói với người nữ ấy điều này:—“Có phải việc làm này là của cô?”—“Thưa vâng, là việc làm của tôi.” Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi có ưng thuận không?”—“Bạch Thế Tôn, con không biết.”—“Này tỳ khưu, vị không biết thì vô tội.” (48)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ khi nghỉ ngơi vào ban ngày ở Mahāvana trong thành Vesālī đã nằm xuống tựa vào thân cây. Có người nữ nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy). Vị tỳ khưu ấy đã lập tức đứng dậy. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, có phải ngươi đã ưng thuận?—“Bạch Thế Tôn, con đã không ưng thuận.—“Này tỳ khưu, vị không ưng thuận thì vô tội.” (49)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ khi nghỉ ngơi vào ban ngày ở Mahāvana trong thành Vesālī đã nằm xuống tựa vào thân cây. Có người nữ nọ nhìn thấy rồi đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy). Vị tỳ khưu ấy đã nhổm dậy khiến cô ấy lăn tròn. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, có phải ngươi đã ưng thuận?—“Bạch Thế Tôn, con đã không ưng thuận.—“Này tỳ khưu, vị không ưng thuận thì vô tội.” (50)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ khi nghỉ ngơi vào ban ngày tại giảng đường Kūṭāgāra ở Mahāvana trong thành Vesālī đã mở cửa lớn rồi nằm xuống. Các phần thân thể của vị ấy đã bị cương lên bởi gió. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người nữ mang theo vật thơm và tràng hoa đã đi đến tu viện ngắm nhìn các trú xá. Khi ấy, những người nữ ấy đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy nên đã ngồi lên trên dương vật (vị ấy), đến khi đạt được mục đích đã nói rằng: “Đây quả thật là người như bò mộng,” sau khi để lại vật thơm và tràng hoa rồi đã bỏ đi. Các vị tỳ khưu nhìn thấy (vị ấy) bị nhầy nhụa nên đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

—“Này các tỳ khưu, dương vật trở nên thích ứng do năm lý do: do ái dục, do phân, do nước tiểu, do gió, do bị cắn bởi sâu bọ. Này các tỳ khưu, đây là năm lý do làm cho dương vật trở nên thích ứng. Này các tỳ khưu, dương vật của vị tỳ khưu ấy trở nên thích ứng do ái dục là điều không có cơ sở và không hợp lý. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy là vị A-la-hán. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy không có phạm tội. Này các tỳ khưu, đối với vị nghỉ ngơi vào ban ngày, Ta cho phép nghỉ ngơi sau khi đã đóng cửa lớn lại.” (51)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ người thành phố Bhārukaccha trong lúc đang ngủ (mơ thấy) đã thực hiện việc đôi lứa với người vợ cũ (nên nghĩ rằng): “Ta không còn là Sa-môn nữa, ta sẽ hoàn tục.” Trong lúc đi đến thành phố Bhārukaccha, giữa đường đã nhìn thấy đại đức Upāli và đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã nói như vầy:—“Này đại đức, với vị đang ngủ mơ thì không phạm tội.” (52)

Vào lúc bấy giờ, nữ cư sĩ tên Supabbā ở trong thành Rājagaha là người có đức tin mù quáng. Cô ấy có tri kiến như vầy: “Người nữ nào dâng cúng việc đôi lứa thì người nữ ấy dâng cúng vật thí tối thượng.” Sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu, cô ấy đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở giữa hai bắp vế; như thế ngài sẽ không phạm tội. Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội saṅghādisesa.” (53)

Vào lúc bấy giờ, nữ cư sĩ tên Supabbā ở trong thành Rājagaha là người có đức tin mù quáng. Cô ấy có quan điểm như vầy: “Người nữ nào dâng cúng việc đôi lứa thì người nữ ấy dâng cúng vật thí tối thượng.” Sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu, cô ấy đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.”—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.”—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở lỗ rún; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở bụng; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở nách; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở cổ; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở lỗ tai; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở bím tóc; ... Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở giữa hai ngón tay; ... Thưa ngài, hãy đến. Tôi sẽ dùng tay ra sức và làm (ngài) xuất tinh; như thế ngài sẽ không phạm tội.” Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội saṅghādisesa.” (54–61)

Vào lúc bấy giờ, nữ cư sĩ tên Saddhā ở trong thành Sāvatthī là người có đức tin mù quáng. Cô ấy có quan điểm như vầy: “Người nữ nào dâng cúng việc đôi lứa thì người nữ ấy dâng cúng vật thí tối thượng.” Sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu, cô ấy đã nói điều này:—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy thực hiện việc đôi lứa.”—“Này chị gái, thôi đi. Việc ấy không được phép.—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy cọ xát ở giữa hai bắp vế; … nt … Thưa ngài, hãy đến. Tôi sẽ đến gần và dùng tay làm (ngài) xuất tinh; như thế ngài sẽ không phạm tội.” Vị tỳ khưu ấy đã làm như thế. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … nt … “Này tỳ khưu, không phạm tội pārājika mà phạm tội saṅghādisesa.” (62–70)

Vào lúc bấy giờ, các vương tử Licchavi ở thành Vesālī đã bắt giữ vị tỳ khưu rồi buộc phải phạm giới với vị tỳ khưu ni. Cả hai đã ưng thuận.—“Cả hai nên bị trục xuất.” … (như trên) … Cả hai đã không ưng thuận.—“Cả hai đều vô tội.” (71)

Vào lúc bấy giờ, các vương tử Licchavi ở thành Vesālī đã bắt giữ vị tỳ khưu rồi buộc phải phạm giới với cô ni tu tập sự. … nt … rồi buộc phải phạm giới với vị sa di ni. Cả hai đã ưng thuận.—“Cả hai nên bị trục xuất.” … (như trên) … Cả hai đã không ưng thuận.—“Cả hai đều vô tội.” (72–73)

Vào lúc bấy giờ, các vương tử Licchavi ở thành Vesālī đã bắt giữ vị tỳ khưu rồi buộc phải phạm giới với gái điếm. … nt … rồi buộc phải phạm giới với người vô căn. … nt … rồi buộc phải phạm giới với nữ gia chủ. Vị tỳ khưu đã ưng thuận.—“Vị tỳ khưu nên bị trục xuất.” … (như trên) … Vị tỳ khưu đã không ưng thuận.—“Vị tỳ khưu vô tội.” (74–76)

Vào lúc bấy giờ, các vương tử Licchavi ở thành Vesālī đã bắt giữ vị tỳ khưu rồi buộc phải phạm giới lẫn nhau. Cả hai đã ưng thuận.—“Cả hai nên bị trục xuất.” … nt … Cả hai đã không ưng thuận.—“Cả hai đều vô tội.” (77)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ xuất gia lúc tuổi đã lớn. Vị ấy đã đi gặp người vợ cũ. Cô ấy đã níu giữ lại (nói rằng):—“Thưa ngài, hãy đến. Ngài hãy hoàn tục.” Vị tỳ khưu ấy trong lúc bước lui đã té ngửa ra. Cô ấy đã giở (y) lên rồi ngồi lên trên dương vật (vị ấy). Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc: … (như trên) … “Này tỳ khưu, vị không ưng thuận thì vô tội.” (78)

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ngụ ở trong rừng. Có con nai tơ đã đi đến chỗ tiểu tiện của vị ấy. Trong lúc đang uống nước tiểu, nó đã dùng miệng ngậm lấy dương vật (vị ấy). Vị tỳ khưu ấy đã ưng thuận. Vị ấy đã có nỗi nghi hoặc, rồi đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên) … “Này tỳ khưu, ngươi đã phạm tội pārājika.” (79)

Dứt điều pārājika thứ nhất.