Chương 22: Tương Ưng Uẩn
III: Phẩm Những Gì Ðược Ăn
81. Pàrileyya
Một thời Thế Tôn ở Kosambi, tại vườn Ghosita.
Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành.
Rồi một Tỷ-kheo, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, liền đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ānanda:
—Này Hiền giả Ānanda, Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành.
—Này Hiền giả, trong khi Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành; trong khi ấy, Thế Tôn ưa sống một mình; trong khi ấy, Thế Tôn không muốn ai đi theo Ngài.
Rồi Thế Tôn tuần tự du hành, đi đến Pālileyyaka. Tại đây, Thế Tôn trú ở Pālileyyaka, dưới gốc cây bhaddasàla.
Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ānanda:
—Ðã lâu lắm, này Hiền giả Ānanda, chúng tôi chưa được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Chúng tôi muốn, này Hiền giả Ānanda, được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp.
Rồi Tôn giả Ānanda cùng với các Tỷ-kheo ấy đi đến Pālileyyaka, gốc cây bhaddasàla, chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỷ-kheo ấy, giảng giải, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”
Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo:
—Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy bồ-đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng.
Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”
Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy … xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy … thọ ấy … xúc ấy … vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy … thọ ấy … xúc ấy … vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy … thọ ấy … xúc ấy … vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể quán tự ngã ở trong thọ.
.. có thể quán tưởng … có thể quán các hành …
.. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong thức. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy … thọ ấy … xúc ấy … vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ như là tự ngã; có thể không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: “Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại”. Nhưng thường kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi … Do biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức là tự ngã; có thể không có (tà) kiến như sau: “Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại”. Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: “Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta”.
Ðoạn kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy … thọ ấy … vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã … không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã … không quán tự ngã ở trong thức; không có (tà) kiến như sau: “Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết tôi sẽ thường còn, thườg hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại”; có thể không có (tà) kiến như sau: “Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta”. Nhưng vị ấy có thể nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này.
Nhưng này các Tỷ-kheo, sự nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh.
Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.