TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
ĐIỀU 106
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo-ni mặc y tăng-già-lê của người khác mà không nói với chủ, vào thôn khất thực. Người chủ không biết, nghĩ là y mình đã bị mất, sau đó tìm kiếm thì thấy tỳ-kheo-ni kia mặc đi, liền nói:
«Cô phạm tội ăn trộm.»
Cô ni kia nói:
«Tôi không ăn trộm y của cô. Tôi lấy mặc với ý nghĩ là của người quen thân.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô không nói với chủ mà trộm lấy y của người ta mặc, khiến cho họ tưởng là y của họ đã bị mất?»
Tỳ-kheo-ni liền đến bạch với chư tỳ-kheo. Chư tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:
«Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni trộm y mặc mà không nói với chủ, khiến người tưởng là y đã mất mà đi tìm kiếm?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, lấy y của người khác mặc mà không hỏi chủ, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni nào lấy y của người khác mặc, không nói với chủ, mà đi vào trong thôn khất thực, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có nói với chủ; hay là quen thân, hoặc người quen thân nói: «Cô cứ mặc đi, tôi sẽ vì cô nói với chủ cho,» thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.