TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 139

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni khi nghe đức Thế tôn chế giới cho phép trao cho người giới cụ túc. Họ bèn ở trong ni chúng trao giới cụ túc; rồi để cách đêm mới đến trong Tăng tỳ-kheo để cầu nhận giới cụ túc. Trong khoảng thời gian đó, người tân thọ giới hoặc bị mù lòa, điếc hay chân đi khập khểnh và các chứng bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới được độ người. Sao các cô độ người mù lòa, ngu si, điếc, chân đi khập khểnh và các loại bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng?»

Quở trách rồi, chư ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni:

«Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao các cô độ người mù lòa, ngu si, điếc, chân đi khập khểnh và các loại bệnh khác, đem lại sự hủy nhục cho chúng Tăng?»

Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, cho người thọ giới cụ túc, để cách đêm mới dẫn đến trong tỳ-kheo tăng xin nhận giới cụ túc, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo-ni nên ngay trong ngày thọ giới cụ túc, liền dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni nào, cho thọ giới cụ túc, để cách đêm mới dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc, ba-dật-đề. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: ngay trong ngày thọ giới cụ túc, liền dẫn đến trong Tăng tỳ-kheo xin nhận giới cụ túc. Hoặc muốn dẫn đến để xin giới cụ túc, người vừa thọ giới bị bệnh, hay bị đường sá trở ngại, hoặc có nạn thú dữ, hay nạn giặc, nạn nước lớn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, không thể trong ngày đó dẫn đến trong chúng tỳ-kheo được, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.