TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
20. CẤT NHÀ LỚN
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-tỳ. Bấy giờ, Tôn giả Xiển-đà tỳ-kheo xây cất phòng xá lớn, cỏ lợp còn dư, lợp thêm, lợp đến lớp thứ ba rồi mà vẫn còn dư. Khi ấy Xiển-đà có ý nghĩ rằng: «Ta không thể thường xuyên đến nơi đàn-việt cầu xin cỏ.» Bèn tiếp tục lợp mãi, cho đến lúc (không chịu được nổi), nhà bị sập. Các cư sĩ thấy thế chê trách: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý nên cầu xin không chán. Bên ngoài tự xưng rằng, ta biết chánh pháp. Như nay xem ra thì có gì là chánh pháp? Làm phòng xá lớn, lợp mãi không thôi, đến nỗi nhà bị sập. Dù đàn-việt muốn cho, nhưng người nhận phải biết đủ chứ!»
Trong các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Xiển-đà: «Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo Xiển-đà:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này Xiển Đà! Sao cất phòng xá lớn, lợp mãi không thôi khiến cho nhà bị sập đổ?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Xiển-đà tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:
«Xiển-đà tỳ-kheo, kẻ ngu si này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, làm phòng xá lớn, cánh cửa, khung cửa sổ và các thứ trang trí, chỉ dẫn lợp tranh ngang bằng hai, ba lớp; nếu lợp quá, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Phòng xá lớn: là nhà dùng nhiều vật liệu.
Các thứ trang trí khác: tức là chạm trổ, vẽ vời.
Lợp: có hai loại, lợp bề dọc, lợp bề ngang.
Tỳ-kheo kia chỉ dẫn lợp hai lớp rồi, khi lớp thứ ba chưa xong, nên đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe. Nếu lợp hai lớp rồi, lớp thứ ba chưa xong mà tỳ-kheo không đi đến chỗ mắt không thấy, tai không nghe, khi lớp thứ ba lợp xong, phạm ba-dật-đề. Nếu bỏ chỗ tai nghe, đến chỗ mắt thấy, bỏ chỗ mắt thấy đến chỗ tai nghe, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: chỉ bảo lợp lớp thứ hai xong, lớp thứ ba lợp chưa xong bèn đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe. Nếu đường bộ, đường thủy bị đứt đoạn, nạn giặc, nạn ác thú, nước lụt, hoặc bị thế lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; chỉ bảo lợp xong lớp thứ hai đến lớp thứ ba chưa xong, khi ấy không đi đến chỗ mắt không thấy tai không nghe; tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.