TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

30. ĐI CHUNG ĐƯỜNG VỚI NGƯỜI NỮ

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có người Tỳ-xá-ly gả con gái cho người nước Xá-vệ. Sau đó, nàng dâu cùng mẹ chồng cãi lộn, nên cô trở về bổn quốc.

Ngay lúc ấy, Tôn giả A-na-luật cũng từ nước Xá-vệ muốn đến nước Tỳ-xá-ly. Lúc ấy, người phụ nữ kia hỏi tôn giả A-na-luật rằng:

«Tôn giả muốn đến đâu?»

Tôn giả trả lời:

«Tôi muốn đến Tỳ-xá-ly.»

Người phụ nữ liền thưa:

«Cho con đi theo được không?»

Tôn giả chấp thuận.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật cùng người phụ nữ này đi chung một đường.

Lúc người phụ nữ ra đi thì trước đó phu chủ của cô đã không có ở nhà. Ngày hôm sau trở về nhà, không thấy vợ mình đâu, liền hỏi bà mẹ rằng:

«Vợ của con làm gì? ở đâu?»

Bà mẹ ông trả lời?

«Nó cãi lộn với ta, bỏ nhà trốn đi rồi. Không biết hiện ở đâu!»

Bấy giờ người phu chủ vội vã đuổi theo. Trên đường đi bắt gặp được vợ. Ông chồng đến hỏi Tôn giả A-na-luật rằng:

«Tại sao ông dẫn vợ của tôi chạy trốn?»

Lúc ấy A-na-luật liền nói:

«Thôi! Thôi! Đừng nói vậy. Chúng tôi không có vậy đâu!»

Ông trưởng giả nói rằng:

«Tại sao nói không như vậy? Hiện tại ông cùng đi chung với vợ tôi!»

Vợ ông nói với chồng rằng:

«Em cùng Tôn giả này đi, cũng như anh em cùng đi. Không có gì là tội lỗi.»

Người chồng nói rằng:

«Hôm nay người này dẫn mày chạy trốn cho nên mới nói như vậy.»

Người đàn ông ấy vừa nói xong liền đánh Tôn giả A-na-luật gần chết.

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật liền bước xuống đường, vào nơi chỗ vắng vẻ, kiết già phu tọa, thẳng mình chánh ý, buộc niệm trước mặt, nhập hỏa quang tam-muội. Lúc ấy trưởng giả thấy vậy liền khởi thiện tâm, ông nghĩ rằng: «Nếu Tôn giả A-na-luật này từ nơi tam-muội xuất, thì tôi sẽ lễ bái sám hối.»

Khi ấy Tôn giả A-na-luật từ tam-muội xuất, ông trưởng giả bèn thưa để sám hối:

«Cúi xin Đại đức nhận sự sám hối của con.»

Tôn giả A-na-luật chấp nhận sự sám hối của ông. Lúc ấy trưởng giả kính lễ dưới chân Tôn giả xong, ngồi qua một bên. Tôn giả vì trưởng giả nói các pháp vi diệu khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Nói pháp xong, Tôn giã từ chỗ ngồi đứng dậy đi.

Lúc bấy giờ, Tôn giả A-na-luật thọ thực xong, đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể đầy đủ lại cho các tỳ-kheo.

Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách A-na-luật: «Sao ngài A-na-luật lại một mình đi chung một đường cùng với người phụ nữ?»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn hỏi A-na-luật:

«Thật sự ông có đi chung một đường với người phụ nữ hay không?»

Tôn giả thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy. »

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rằng:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao ông đi chung một đường cùng với người nữ? »

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách A-na-luật rồi, bảo các tỳ-kheo:

«A-na-luật này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới ban đầu. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc ấy có các tỳ-kheo không hẹn nhưng giữa đường tình cờ gặp, vì e sợ, không dám đi chung.

Đức Phật dạy: «Không hẹn thì không phạm.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, cùng hẹn và đi chung đường với người nữ, nhẫn đến trong khoảng giữa hai thôn, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Người nữ: như trên đã nói.

Cùng hẹn: cũng như đã nói trên.

Đường: như trước đã giải.

Nếu tỳ-kheo hẹn và đi chung đường với người phụ nữ, nhẫn đến khoảng giữa hai thôn, tùy theo giới vức hoặc nhiều hay ít, mỗi mỗi đều phạm ba-dật-đề. Nếu trong khoảng đồng trống không có thôn mà đi khoảng mười dặm, phạm ba-dật-đề. Nếu đi chưa tới một thôn, hay chưa tới mười dặm, phạm đột-kiết-la. Nếu đi chung trong phần giới của thôn, phạm đột-kiết-la. Nếu phương tiện muốn đi mà không đi, hoặc hẹn chuẩn bị mà không đi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột kiết la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc trước đó không cùng hẹn; hoặc việc cần đến đó được an ổn, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, tất cả không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.