Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī sau khi gây gỗ với các tỳ khưu ni lại tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―nt― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Caṇḍakāḷī lại tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc?” ―nt― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―nt― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī lại tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào tự đánh đấm chính mình rồi khóc lóc thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Chính mình: đối với cá nhân mình.
Vị ni đánh đấm, khóc lóc thì phạm tội pācittiya. Vị ni đánh đấm, không khóc lóc thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni khóc lóc không đánh đấm thì phạm tội dukkaṭa.
Bị tác động do sự mất mát về thân quyến hoặc do sự mất mát về vật dụng hoặc do sự bất hạnh vì bệnh hoạn vị ni khóc lóc không đánh đấm, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ mười. Phẩm Bóng Tối là thứ nhì.
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY:
Trong bóng tối, ở chỗ được che khuất, ở khoảng trống, ở giao lộ, hai điều về không hỏi ý, lúc trời tối, và có sự hiểu sai, về địa ngục, vị ni đã đánh đấm.”