TẠNG LUẬT

PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU

BỘ PĀCITTIYA

4. PHẨM VẬT THỰC:

3. ĐIỀU HỌC VỀ VẬT THỰC THỈNH SAU:

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, trong thành Vesālī sự luân phiên về các bữa trai phạn gồm các thức ăn hảo hạng đã được ấn định. Khi ấy, có người lao công nghèo nọ đã khởi ý điều này: “Theo như cách những người này thực hiện bữa trai phạn một cách trịnh trọng thì việc này không phải là tầm thường, hay là ta nên thực hiện bữa trai phạn?” Sau đó, người lao công nghèo ấy đã đi đến gặp cậu chủ tên Kira, sau khi đến đã nói với cậu chủ tên Kira ấy rằng:

—“Thưa cậu chủ, tôi muốn thực hiện bữa trai phạn dâng hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, hãy cho tôi tiền lương.” Cậu chủ tên Kira ấy cũng có niềm tin và mộ đạo. Khi ấy, cậu chủ tên Kira ấy đã cho người lao công nghèo ấy tiền lương phụ trội. Sau đó, người lao công nghèo ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người lao công nghèo ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:—“Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”—“Này đạo hữu, người hãy biết hội chúng tỳ khưu là đông đảo.”—“Bạch ngài, hội chúng tỳ khưu hãy là đông đảo. Con đã chuẩn bị được nhiều táo. Các thức uống trộn với táo sẽ được đầy đủ.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người lao công nghèo ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Các tỳ khưu đã nghe được rằng: “Nghe nói hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được người lao công nghèo thỉnh mời vào ngày mai, các thức uống trộn với táo sẽ được đầy đủ.” Các vị ấy đã đi khất thực vào lúc sáng sớm rồi đã thọ thực. Dân chúng đã nghe được rằng: “Nghe nói hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được người lao công nghèo thỉnh mời.” Họ đã mang lại cho người lao công nghèo vô số vật thực loại cứng loại mềm.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy người lao công nghèo ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:—“Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của người lao công nghèo ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người lao công nghèo ấy đã phục vụ các tỳ khưu ở trong nhà ăn. Các tỳ khưu đã nói như vầy:—“Này đạo hữu, hãy dâng chút ít thôi. Này đạo hữu, hãy dâng chút ít thôi.”—“Thưa các ngài, chớ có thọ lãnh chỉ chút ít (vì nghĩ rằng): ‘Người lao công này nghèo.’ Tôi đã cho chuẩn bị sẵn sàng vô số vật thực loại cứng loại mềm. Thưa các ngài, hãy thọ lãnh theo như ước muốn.”—“Này đạo hữu, không phải vì lý do này mà chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít, tuy nhiên vào lúc sáng sớm chúng tôi đã đi khất thực và đã thọ thực rồi; vì thế chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít.” Khi ấy, người lao công nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Tại sao các ngài đại đức đã được tôi thỉnh mời còn thọ thực ở nơi khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?” Các tỳ khưu đã nghe được người lao công nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.

Các tỳ khưu ít ham muốn, … (như trên) … các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao các tỳ khưu khi được thỉnh mời ở nơi khác lại thọ thực ở nơi khác?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu khi được thỉnh mời ở nơi khác còn thọ thực ở nơi khác, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy khi được thỉnh mời ở nơi khác lại thọ thực ở nơi khác vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Có vị tỳ khưu khác đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:—“Này đại đức, hãy thọ thực.”—“Này đại đức, thôi đi. Có sự chuẩn bị về bữa ăn cho tôi rồi.” Thức ăn của vị tỳ khưu ấy đã được mang lại khi đã trưa. Vị tỳ khưu ấy đã thọ thực không được như ý. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:—“Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu bị bệnh được thọ dụng vật thực thỉnh sau. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

Vào lúc bấy giờ, trong thời hạn dâng y dân chúng sau khi chuẩn bị bữa trai phạn có dâng y rồi thỉnh mời các tỳ khưu (nói rằng): “Sau khi mời thọ thực, chúng tôi sẽ dâng y.” Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực thỉnh sau.” Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên) … “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau trong thời hạn dâng y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

Vào lúc bấy giờ, dân chúng thỉnh mời các tỳ khưu là những vị làm y với bữa trai phạn. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực thỉnh sau.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. … (như trên) … “Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau trong lúc may y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, cùng với đại đức Ānanda là Sa-môn hầu cận đã đi đến gia đình nọ, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau đó, những người ấy đã dâng vật thực đến đức Thế Tôn và đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda trong lúc ngần ngại nên không thọ lãnh.—“Này Ānanda, hãy thọ lãnh.”—“Bạch Thế Tôn, thôi đi, có sự chuẩn bị về bữa ăn cho con rồi.”—“Này Ānanda, như thế thì hãy nhường lại (cho vị khác) rồi nhận lấy.” Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:—“Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau sau khi đã nhường lại (cho vị khác). Và này các tỳ khưu, nên nhường lại như vầy: ‘Tôi cho sự chuẩn bị về bữa ăn của tôi đến vị tên (như vầy).’”

Vật thực thỉnh sau nghĩa là khi đã được thỉnh mời với bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực, trừ ra món ấy vị thọ thực bất cứ loại vật thực nào khác thuộc về năm loại vật thực; điều này gọi là vật thực thỉnh sau.

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Trường hợp bị bệnh nghĩa là không thể ngồi ở một chỗ để thọ thực theo như ý muốn, (nghĩ rằng): ‘Trường hợp bị bệnh’ rồi nên thọ thực.

Trong thời hạn dâng y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng, (nghĩ rằng): ‘Trong thời hạn dâng y’ rồi nên thọ thực.

Trong lúc may y nghĩa là trong lúc y đang được may, (nghĩ rằng): ‘Trong lúc may y’ rồi nên thọ thực.

Ngoại trừ có duyên cớ, (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thọ thực’ rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya.

Vật thực thỉnh sau, nhận biết là vật thực thỉnh sau, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Vật thực thỉnh sau, có sự hoài nghi, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Vật thực thỉnh sau, (lầm) tưởng không phải là vật thực thỉnh sau, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ.

Không phải vật thực thỉnh sau, (lầm) tưởng là vật thực thỉnh sau, phạm tội dukkaṭa. Không phải vật thực thỉnh sau, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải vật thực thỉnh sau, nhận biết không phải là vật thực thỉnh sau thì vô tội.

Khi có duyên cớ, sau khi nhường lại (cho vị khác) rồi thọ thực, vị thọ thực hai hoặc ba sự thỉnh mời chung một lượt, vị thọ thực theo tuần tự của sự thỉnh mời, khi được toàn bộ cả làng thỉnh mời thì thọ thực ở bất cứ nơi nào ở trong ngôi làng ấy, khi được toàn bộ cả phường hội thỉnh mời thì thọ thực ở bất cứ nơi nào ở trong phường hội ấy, khi được thỉnh mời vị nói rằng: ‘Tôi sẽ nhận đồ khất thực,’ trong bữa ăn thường kỳ, trong bữa ăn (phân phối) theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng, tất cả (các thức khác) trừ ra năm loại vật thực, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về vật thực thỉnh sau là thứ ba.